Bến thuyền, chùa Thiên Trù, động Hương Tích… đều đông nghịt khách đổ về trước ngày khai hội chùa Hương.
Từ mùng 2 Tết Giáp Thìn (tức 11/2), khu du lịch quốc gia Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội mở cửa bán vé đón khách vãn cảnh. Theo thống kê của Ban Quản lý khu di tích, ba ngày qua nơi này đón khoảng 80.000 khách, riêng mùng 5 Tết đón gần 40.000. Dự kiến ngày khai hội (mùng 6 Tết) đón khoảng 30.000 khách.
Riêng các ngày 29, 30 tháng chạp và mùng 1 Tết, Ban quản lý cho du khách vào cửa tự do, không bán vé.
Trên dòng suối Yến dài 4 km đặc kín thuyền chở khách vào thắng cảnh.
Theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay có nhiều điểm mới như giao cho Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương chở du khách đi hội với khoảng 3.800 chiếc đò. Tất cả lái đò đều đeo thẻ và có áo phao nhận diện.
“Khu di tích đã dẹp bỏ được tình trạng chèo kéo khách, gây mất an toàn, mỹ quan. Bên cạnh đó, cảnh quan di tích cũng được làm mới từ đường lớn vào bên trong”, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn nói.
Ban tổ chức bố trí 10 cửa để kiểm soát vé đò, đảm bảo an toàn cho du khách. Hơn 1,5 km đường bộ bên suối Yến cũng được mở rộng, trang trí hoa, các điểm check-in không khí xuân Giáp Thìn bên đường để phục vụ khách tham quan.
Vé thắng cảnh năm nay tăng từ 80.000 lên 120.000 đồng, vé đò từ 50.000 lên 85.000 đồng.
“Đây là năm nhận diện chùa Hương bằng góc nhìn mới, là cuộc cách mạng, chuyển mình thay đổi cả về diện mạo và cách tổ chức. Tất cả để mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ khi về trẩy hội chùa Hương”, ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch huyện Mỹ Đức nói.
Hàng nghìn thuyền đưa du khách vào Bến Trò, bắt đầu chuyến hành hương khu di tích thắng cảnh Hương Sơn.
Từ 2h đến 13h là thời điểm đông người hành hương nhất trong ngày.
Ban tổ chức kiểm soát vé điện tử nên lượng du khách ra vào ngay lập tức có thống kê cụ thể. Trên vé thắng cảnh có mã QR, sau khi quét sẽ hết tác dụng, khách không thể quay đầu vé.
Bậc lên xuống của chùa Thiên Trù đông kín người vào dâng hương.
Người dân xếp hàng ken đặc lối vào cáp treo. Nhiều người chờ lâu, mệt mỏi vì đông đúc nên đã bỏ dở hành trình, hoặc phải bán lại vé cáp treo.
“Cả nhà đến chùa Hương lúc 7h. Tuy nhiên, gần đến cửa động Hương Tích xếp hàng đông quá, chờ đợi lâu nên đành bỏ cuộc. Mất gần 3 tiếng đi thuyền và cuốc bộ lên, rồi mất hơn một tiếng mới xuống được”, anh Nguyễn Xuân Đạt, quê Chương Mỹ, đi chùa từ 4h sáng kể.
Trẻ em được bố mẹ kiệu lên vai trong dòng người xếp hàng trước cửa động Hương Tích.
Từ cáp treo vào cửa động Hương Tích chỉ khoảng 200 m nhưng để tới đây, người dân phải đứng xếp hàng hơn một tiếng, nhích từng bước.
Người dân đặt lễ, khấn cầu may mắn, bình an trong năm mới tại ban thờ chính trong động Hương Tích.
Nhiều người dân dừng lại ở lối ra trong động hứng những giọt nước chảy ra từ khối nhũ đá với mong muốn may mắn cho năm mới.
Sâu trong lòng động, tiếng loa liên tục phát cảnh báo người dân cảnh giác bị móc túi, không chụp ảnh, bỏ mũ nón khi vào làm lễ tại ban thờ.
Chùa Hương khai hội vào mùng 6 tháng giêng hàng năm. Đây là lễ hội có quy mô và thời gian tổ chức dài nhất miền Bắc, đến hết tháng 3 âm lịch. Với sự đổi mới cảnh quan, cách tổ chức, dự kiến năm nay lễ hội đón 1,3 triệu khách (năm 2023 là 1,1 triệu khách).