Ngày đầu nới lỏng cách ly xã hội

Ông Võ Văn Lâm (49 tuổi, phường Mỹ An, Đà Nẵng) đi bộ vài trăm mét từ nhà ra bãi biển Mỹ Khê và cảm nhận bầu không khí “khác hẳn hôm qua”.

6h ngày 23/4, dây cảnh báo kéo dọc tuyến vỉa hè của bãi biển Mỹ Khê đã được tháo dỡ. Hàng trăm người xuống bãi cát sát mép nước tập thể dục và tắm biển.

Ông Võ Văn Lâm nói, do đã có thói quen tắm biển từ nhỏ nên những ngày cách ly ông cảm thấy rất bức bối. Bãi tắm bị rào chắn lại và luôn có lực lượng chức năng túc trực nhắc nhở không cho tụ tập đông người. Có hôm quá nhớ biển, ông chờ đến khi vắng bóng lực lượng chức năng đã “lén” xuống tắm 5 phút rồi lên bờ.

“Giờ được tắm tự do rồi, nhưng tôi sẽ lưu ý việc giữ khoảng cách với mọi người và đi đâu cũng đeo khẩu trang”, ông Lâm nói.

Ông Võ Văn Lâ vui mừng khi được đi dạo và tắm biển trở lại. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Võ Văn Lâm vui mừng khi được đi dạo và tắm biển trở lại. Ảnh: Nguyễn Đông.

Từ sáng sớm, trên tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa ven biển, nhiều người thoải mái đạp xe, chạy bộ mà không còn bị nhắc nhở. Lượng phương tiện trên đường đã đông hơn so với những ngày trước.

Một số hàng quán trên nhiều tuyến phố bắt đầu hoạt động. Chị Mai Thảo, chủ một quán cà phê trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) mở quán từ sáng sớm. Gần một tuần qua, cửa hàng duy trì việc bán online và mang về nên hôm nay không phải quét dọn nhiều.

Phía trong quán, chị Thảo kê 6 bộ bàn ghế cách xa nhau để khách ngồi. “Hôm qua biết tin các cửa hàng ăn uống được mở trở lại, tôi rất vui. Mong dịch bệnh chấm dứt để thành phố trở lại nhịp sống sôi động”, chị nói.

Nhiều quán cà phê đã đông khách trở lại. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhiều quán cà phê đã đông khách trở lại. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ngày đầu sau cách ly xã hội, các cửa hàng bán đồ ăn ở Đà Nẵng chưa thực sự nhộn nhịp vì họ nhận được thông tin được mở cửa trở lại vào khuya hôm qua (22/4), không kịp chuẩn bị thực phẩm; phần vì sáng nay là mùng Một âm lịch, nhiều người giữ thói quen ăn chay. Ở chợ Hàn, nhiều sạp vẫn đóng kín. Tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn cũng khá thưa vắng vì nhiều shop áo quần chưa mở hàng…

Theo ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, công chức của Đà Nẵng đã đi làm trở lại bình thường; riêng bộ phận một cửa ở Trung tâm hành chính thành phố và các quận, huyện hoạt động từ nhiều ngày trước.

Đà Nẵng cơ bản nới lỏng cách ly xã hội nhưng tiếp tục tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung trên 20 người; vũ trường, karaoke, bar, pub, lễ hội, rạp chiếu phim, massage, tham quan bảo tàng, di tích, bể bơi…

Thừa Thiên Huế, nhiều hàng quán trên đường Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Huệ (TP Huế) bắt đầu hoạt động. Các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hà Nội nhộn nhịp trở lại.

Sáng sớm, chị Nguyễn Khoa Thị Tuyết (33 tuổi) mở lại quán cà phê của mình và đặt chai dầu tràm, rượu gừng ở cửa ra vào để khách rửa tay sát khuẩn. “Chúng tôi thuê mặt bằng mỗi tháng mấy triệu nên những ngày đóng cửa lòng như lửa đốt, chỉ mong đến ngày này”, chị nói.

Sáng nay 23/4, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế ra công điện cho phép các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh dừng hoạt động; các cơ sở lưu trú, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát mở cửa trở lại  song phải kiểm soát, đảm bảo nguyên tắc về giãn cách; mỗi bàn cách nhau 2 mét, ghế cách ghế một mét, mỗi phòng không quá 20 người; không tổ chức loại hình ăn uống tự chọn (buffet).

Xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi trên địa bàn tỉnh được phép vận chuyển tối đa 50% số lượng khách theo số lượng ghế ngồi của xe. Tất cả cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh tổ chức làm việc bình thường; hạn chế tổ chức hội họp trên 20 người.

Nhiều người dân tập trung  đi uống cà phê sáng 23/4. Ảnh: Võ Thạnh

Một quán cà phê ở TP Huế sáng 23/4. Ảnh: Võ Thạnh

Nghệ An, gần 7h ngày 23/4, ông Nguyễn Văn Chuyên (54 tuổi) trú tại phường Hà Huy Tập là người đầu tiên tới nhà một cửa Công an thành phố Vinh, đợi làm thủ tục cấp lại chứng minh thư nhân dân đã hết hạn.

Trước khi vào phòng làm thủ tục, ông Chuyên được hướng dẫn ngồi tại hàng ghế chờ với yêu cầu cách người khác ít nhất 2 m, bắt buộc phải đeo khẩu trang. Cán bộ công an túc trực tại cửa nhắc người dân rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế không quá 10 người vào phòng giải quyết thủ tục mỗi lần.

“Tôi cần chứng minh thư để mở thẻ ngân hàng phục vụ công việc. Từ đầu tháng, ngày nào cũng ngóng thời gian hết cách ly xã hội để đi làm”, ông Chuyên nói.

Cán bộ tại phòng một cửa cho biết, ngày thường nơi đây giải quyết thủ tục cho 400 – 450 người. Mở cửa trở lại sau thời gian cách ly xã hội, đơn vị dự kiến trong những ngày tới lượng người tới giải quyết thủ tục về giấy tờ công dân sẽ cao hơn…

Ông Nguyễn Văn Chuyên (áo trắng) được cán bộ phát phiếu số thứ tự chuẩn bị vào giải quyết thủ tục sáng 23/4. Ảnh: Nguyễn Hải.

Ông Nguyễn Văn Chuyên (áo trắng) được cán bộ phát phiếu số thứ tự chuẩn bị vào giải quyết thủ tục sáng 23/4. Ảnh: Nguyễn Hải.

Sáng nay, các cửa hàng bán đồ ăn sáng, cà phê, tiệm cắt tóc…, ở TP Vinh đã đồng loạt mở cửa. Đường phố nhộn nhịp với lượng xe cộ đông đúc trở lại.

Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiếp tục cách ly xã hội, song cho phép dỡ bỏ toàn bộ các điểm chốt kiểm soát giữa các địa phương trên địa bàn, chỉ duy trì điểm chốt ở cửa ngõ vào tỉnh.

Các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi, xe khách đã hoạt động trở lại, nhưng lượng xe thưa thớt; các tuyến xe buýt Vân Đồn – Bãi Cháy vắng khách.

Nhiều tuyến đường ở TP Hạ Long đông đúc trở lại, nhiều hàng quán đã mở cửa. Tuy nhiên, các điểm du lịch nổi tiếng như bảo tàng, cung cá heo, khu du lịch Bãi Cháy… vẫn vắng vẻ.

Hải Phòng, chiều 23/4, nhà chức trách thông báo người dân được ra vào thành phố bình thường nhưng phải đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tối thiếu 2 m khi tiếp xúc; không tập trung quá 20 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…

Các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Thành phố mở cửa trở lại các bến xe, cho phép xe khách hoạt động nhưng hạn chế tần suất hoạt động và số khách đưa đón.

Các chốt kiểm soát liên ngành tại cửa ngõ ra vào thành phố sẽ dừng hoạt động từ 0h ngày 24/4.

TP Cần Thơ, nhà chức trách thu dọn bảy trạm kiểm soát giao thông, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế tại các tuyến đường. Hiện thành phố còn duy trì hai trạm tại cửa ngõ chính trên quốc lộ 1A, dưới chân cầu Cần Thơ, quận Cái Răng và trên quốc lộ 91, tại quận Thốt Nốt.

Các bến phà, đò ngang qua sông nối Cần Thơ và các tỉnh khác đã hoạt động trở lại. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố nhộn nhịp, xe cộ đông đúc. Hầu hết người dân ra đường đều đeo khẩu trang. Cửa hàng kinh doanh thời trang, điện máy, văn phòng phẩm… mở cửa hoạt động trở lại. Các quán cà phê, ăn sáng khá đông khách. Lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở những nơi tập trung quá 10 người.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, từ ngày 23/4, với việc được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, thành phố chuyển sang trạng thái mới sống chung an toàn với dịch bệnh. “Các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, không tập trung đông người…”, ông Mạnh nói.

Giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh ở quận Ninh Kiều sáng 23/4. Ảnh: Cửu Long 

Giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ sáng 23/4. Ảnh: Cửu Long

Phú Yên, sáng nay khi chính quyền TP Tuy Hòa thông báo người dân được tắm biển trở lại, chị Nguyễn Thị Lụa, 26 tuổi, cùng nhiều người dân ra hóng gió, đi bộ rồi xuống tắm. Xung quanh, nhiều người đạp xe tập thể dục.

Ông Nguyễn Lê Vi Phúc (Phó chủ tịch TP Tuy Hòa) cho biết, địa phương vẫn cấm hoạt động với quán bar, karaoke, massage, nhà hàng, quán game, rạp chiếu phim. Các lễ hội văn hóa, điểm du lịch cũng tạm dừng. “Lực lượng chức năng được yêu cầu tăng cường tuần tra để theo dõi, nhắc nhở người dân tránh tụ tập”, ông Phúc nói.

Ngày 22/4, Thủ tướng cơ bản đồng ý nới lỏng một cách thận trọng đối với một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên ông lưu ý các tỉnh, thành không lơ là, chủ quan.

Chủ tịch tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết biện pháp phòng, chống dịch dựa trên chỉ thị của Thủ tướng, quyết định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương; quyết định cụ thể việc mở hay đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu và biện pháp phòng, chống lây nhiễm.

Tin liên quan