Tượng Phật ở chùa Khai Nguyên cao 72 m,16 tầng, chứa nhiều tượng nhỏ cùng trái tim Phật làm bằng ngọc nặng hơn một tấn.
Đại tượng Phật thuộc chùa Khai Nguyên ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, được khởi công xây dựng từ năm 2015 với thông điệp vì hòa bình thế giới. Sau 9 năm, bức tượng đến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục, chính thức đón du khách đến chiêm bái.
Tượng Phật cao khoảng 72 m, được ghi nhận cao nhất Đông Nam Á, đế rộng hơn 1.200 m2. Phần đế là bông hoa sen khổng lồ nở ra ba lớp cánh được sắp xếp xen kẽ, chia đều xung quanh thân tượng, mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Bàn tay tượng Phật dài 9 m, tay trái nâng đài sen, tay phải mang hình ảnh bánh xe pháp luân. Tướng Bạch Hào (dấu ấn trên trán) của Phật bằng đá nguyên khối màu đỏ tươi.
Mỗi ô cửa phần chân đế gắn biểu tượng Garuda hay đại bàng Kim Sí, loài chim thần trong Ấn Độ giáo và ảnh hưởng sang Phật giáo.
Đại tượng được thiết kế 16 tầng, trong đó 12 tầng có thang máy, thang bộ. Mỗi tầng được trang trí một phong cách thờ phụng riêng, tầng một là nơi an trí chư vị lịch đại tổ sư.
Tầng hai là nơi an trí và tôn thờ 33 hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nổi bật trong số này là tượng A Di Đà điêu khắc trên chất liệu ngọc bích Canada nguyên khối, nặng hơn 2 tấn.
Nơi thờ Đức Phật Dược Sư được đặt tại tầng bốn.
Đức Dược Sư được xem là vị Phật hiểu biết, thông suốt tất cả y dược của thế gian và xuất thế gian. Ngài có thể chữa trị tất cả bệnh khổ của chúng sinh, những điên đảo vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra.
Ngoài tượng lớn, bên trong cũng chứa hàng nghìn tượng Phật nhỏ làm bằng nhiều chất liệu như nhựa composite, ngọc bích.
Điểm nhấn bên trong tượng Phật là tầng 12, nơi an trí và tôn thờ trái tim của Đức Phật A Di Đà, được tạc bằng ngọc bích Canada nguyên khối, nặng hơn một tấn.
Dịp Tết Giáp Thìn, chùa Khai Nguyên đón tiếp hàng chục nghìn du khách tới chiêm bái tượng Phật.
Theo lịch sử bia ký, chùa được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 16. Qua nhiều thế kỷ, tới năm 1990, chùa xuống cấp và gần như trở thành phế tích. Từ năm 2006, chùa được UBND thị xã Sơn Tây cho trùng tu. Riêng đại tượng Phật do tăng ni, người dân quyên góp xây dựng, hiện vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.