(Tin hot) Mặc đồ bảo hộ kín mít trong khi thay phiên nhau chăm sóc bệnh nhân, nên các nhân viên y tế ở Đà Nẵng phải viết tên nhau lên áo để nhận diện.
13h ngày 26/7, gần 2.200 cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng được gọi lên tập trung và nhận thông báo “cách ly 14 ngày”. Chị Thái Thu Hà, nhân viên làm việc tại Trung tâm Tim mạch đang thai nghén, được chồng gom vội vài bộ áo quần. Dọc đường đi, hai vợ chồng không biết nói gì cho thành một câu chuyện trọn vẹn. Ai cũng bồn chồn và chỉ biết chúc nhau bình an.
Ít phút sau khi các bác sĩ, nhân viên y tế bước qua cánh cửa bệnh viện, từng người được gọi lên lấy mẫu xét nghiệm. Họ phân công nhau chia thành từng nhóm nhỏ. Một phần ba thành viên trong nhóm di chuyển về cách ly tập trung tại các bệnh viện trong 5 ngày. Những người ở lại bắt tay ngay vào phục vụ trong khu cách ly.
Đêm đầu tiên, nhiều người không ngủ được. Tin nhắn điện thoại báo liên hồi. Chị Hà bảo, không thể trả lời hay nói chuyện với tất cả. Chỉ nhắn tin động viên nhau vì các ca bệnh đều xuất phát từ bệnh viện. “Đó là đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề y của chúng tôi đến nay”, chị nói.
Gọi điện thoại về nhà, chị chỉ biết trấn an “không sao, mọi thứ vẫn ổn”. Mệnh lệnh cách ly toàn nhân viên bệnh viện quá bất ngờ, nên không ai chuẩn bị tâm lý xa gia đình. Thời gian cách ly có thể không dừng lại ở 14 ngày, vì các ca mắc Covid-19 mới liên tiếp được ghi nhận. Trong đêm tối, tiếng xe cứu thương vẫn vang lên liên hồi.
Bệnh viện Đà Nẵng thông báo không tiếp nhận khám chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu. Nhưng vào lúc bắt đầu cách ly, bên trong cơ sở y tế này vẫn còn khoảng 4.000 bệnh nhân và người nhà.
“Đêm đầu tiên cách ly, có những mẹ đã khóc vì nhớ con, vì sữa căng cứng khi không được cho con bú. Con thì nhớ mẹ, gọi điện thoại liên tục. Chúng đều hỏi khi nào mẹ được về với con. Nhiều cặp vợ chồng cùng làm ở bệnh viện, vào cách ly nhưng không được ở cùng nhau, con cái phải gửi ông bà chăm giúp”, chị Hà kể.
0h ngày 28/7, thành phố phong toả toàn bộ khu vực ba bệnh viện có ca mắc nCoV. Người nhà muốn chuyển đồ đạc vào bên trong, phải gửi lại nơi gác chắn. Họ không được nhìn thấy nhau, chỉ biết báo tin qua điện thoại. Cứ có ca bệnh mới là các bác sĩ, y tá lại phải rà soát toàn bộ lịch trình điều trị của mình, xem có tiếp xúc gần hay không.
Điều không mong muốn cũng đến. Trong nhóm của chị Hà có người dương tính với nCoV. “Lúc nhận kết quả xét nghiệm, người bị nhiễm nCoV lo lắng cho mình không bao nhiêu, nhưng lại lo cho ba mẹ và những người tiếp xúc liệu có bị nhiễm không, hàng xóm có kỳ thị không”, chị Hà nói và nhắn nhủ thêm “mong mọi người đừng xa lánh vì chúng tôi đang chiến đấu hết mình trong khu cách ly”.
Bên trong bệnh viện, nhân viên y tế phân công nhau chăm sóc bệnh nhân, đứng chốt ở trạm giao hàng viện trợ hoặc phụ trách việc đưa cơm, lo hồ sơ bệnh nhân. Trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đeo kính, tấm chắn giọt bắn… các nhân viên y tế không thể nhận ra nhau, nên họ phải viết tên lên sau lưng áo để phân biệt và có thể gọi tên.
“Áp lực công việc, nhiều lúc không còn đủ hơi để có thể gọi rõ tên được nữa”, bác sĩ Phạm Minh An (28 tuổi), Khoa Hồi sức tích cực – chống độc nói. Còn bác sĩ Phạm Thị Hồng – Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, cho hay năm ngày qua chưa có được giấc ngủ trọn vẹn, “sút mất mấy ký” khi phải liên tiếp nhận điện thoại và xử lý công việc.
“Mọi người ở trung tâm tranh thủ ăn, ngủ giữa các chuyến xe chạy liên tục. Nhiều nhân viên phải mang bỉm vì không thể dừng xe giữa đường, trong khi họ mặc đồ bảo hộ kín mít”, bác sĩ Hồng kể. Vất vả gấp nhiều lần so với đợt dịch 3 tháng trước, nhưng đội ngũ cấp cứu vẫn quyết tâm “không từ chối bất cứ ca bệnh nào”.
“Nhiều nhân viên cấp cứu xung phong vào khu cách ly để hỗ trợ các bác sĩ. Những trường hợp hai vợ chồng cùng làm ở trung tâm 115 thì phải chia nhau, một người ở nhà trông con. Thương nhất là có nhân viên chồng làm bộ đội, trực chiến ở đơn vị nhưng vợ vẫn không được nghỉ”, bác sĩ Hồng nói.
“Tất cả nhân viên ngành y tế Đà Nẵng lúc này không có ngày hay đêm rõ ràng, lúc nào cũng trong trạng thái trực chiến. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng”, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nói.
Khoa Hồi sức tích cực – chống độc nơi bác sĩ An làm việc ngày 27/7 có ba ca mắc Covid -19, đều là điều dưỡng đang làm việc. Mọi người trong khoa thông báo qua nhóm chat, không gặp trực tiếp để động viên nhau nhưng mắt ai cũng đỏ hoe.
Chị Trang, vợ bác sĩ An dặn dò chồng quan tâm đến chuyện ăn uống vì chồng đang muốn giảm cân. Dù anh An nói trong bệnh viện đầy đủ vật dụng, nhưng chị vẫn tranh thủ lúc hết giờ làm tạt qua gửi tấm chăn. Tô bún Trang gửi vào cho chồng nóng hổi, nhưng đến lúc An nhận được đã nguội lạnh. “Khi vợ hỏi ăn có ngon không, tôi vẫn khen bún ngon, nhưng thực ra cũng không nhớ mùi vị như thế nào”, An nói.
Điều dưỡng Hà chia sẻ, những bữa cơm hộp trong bệnh viện khác hẳn với bữa cơm gia đình. Nhưng ai cũng cố gắng ăn để lấy sức, khi nghĩ đến cảnh hàng trăm người phía ngoài đang lo lắng cho những người bên trong khu cách ly.
Chị Hà kể, không nhân viên y tế nào đòi hỏi phải có giường để ngả lưng. “Ở đây chúng tôi có gì dùng nấy. Người thì trải chiếu nằm đất, người thì lót giấy carton ngủ tạm, có người kê ghế hoặc nằm nghiêng trên giường bệnh chật hẹp để chợp mắt”, chị nói.
Sáng 29/7, Khoa của bác sĩ An đã có 12 ca mắc nCoV, trong đó có 9 bệnh nhân và người nhà. Bác sĩ trẻ vẫn lạc quan: “Cả xã hội đồng lòng thì sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”. Còn điều dưỡng Hà nhắn gửi: “Mọi người hãy vì chúng tôi mà ở yên trong nhà”.