(Tin Nhiếp ảnh) Sáng 20/5/2017, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016 gồm có 18 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 95 tác giả được Giải thưởng Nhà nước. Tới dự Lễ Trao tặng Giải thưởng có đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tác giả, thân nhân các tác giả và đông đảo phóng viên báo, đài trung ương và Hà Nội.
Tại Lễ Trao tặng Giải thưởng, đồng chí Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, tôi luyện và phát triển trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã góp phần củng cố và làm rạng danh nền văn học, nghệ thuật nước nhà… Bên cạnh đó Bộ VHTT&DL, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo, văn học, nghệ thuật; phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật; nghiên cứu, đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đối với các văn nghệ sĩ xứng đáng.”.
Các tác giả và gia đình được tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước – ảnh: Thu Trang
Chuyên ngành Nhiếp ảnh vinh dự có 01 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 04 tác giả được Giải thưởng Nhà nước: Giải thưởng Hồ Chí Minh giành cho tác giả Lương Nghĩa Dũng – nguyên là phóng viên Thông tấn Quân sự – Thông tấn xã Việt Nam, làm nhiệm vụ tại các chiến trường phía Nam, là Liệt sĩ, hy sinh tại chiến trường Hải Lăng – Quảng Trị năm 1972. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh năm 2006. Trong đợt xét tặng lần này, ông đã được ba cấp Hội đồng Thẩm định, nhất trí đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Các tác phẩm của ông có giá trị tư liệu, lịch sử rất cao, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật xuất sắc.
Giải thưởng Nhà nước giành cho 04 tác giả : NSNA Lâm Tấn Tài, phóng viên Thông tấn Quân sự – Thông tấn xã Việt Nam Hứa Thanh Kiểm, NSNA Mầu Hoàng Thiết, NSNA Nguyễn Hữu Cấy. NSNA Lâm Tấn Tài sinh năm 1935, đã mất – nguyên là phóng viên chiến trường miền Nam thuộc Thông tấn xã Giải phóng. Ông đã tham gia tác nghiệp tại nhiều mặt trận như Đường Trường Sơn, Sài Gòn, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Các tác phẩm của ông được 3 cấp Hội đồng thẩm định, đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về một giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới… Sau hòa bình lập lại, ông tham gia vào các hoạt động của nhiếp ảnh và có nhiều đóng góp cho nền Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên Thông tấn Quân sự Hứa Thanh Kiểm, 80 tuổi – người dân tộc Tày. Ông nguyên là phóng viên Thông tấn Quân sự – Thông tấn xã Việt Nam. Ông được Tổng Cục Chính trị – Quân đội Nhân dân Việt Nam cử sang Thông tấn xã tham gia các mũi nhọn trực tiếp tác nghiệp tại các chiến trường. Chùm tác phẩm được sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với chủ đề “Đường Trường Sơn”, đã được ba cấp Hội đồng Thẩm định, đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về giai đoạn đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước.
NSNA Mầu Hoàng Thiết, 88 tuổi, là Việt kiều Thái Lan tự nguyện về nước tham gia các hoạt động báo chí, nhiếp ảnh. Ông nguyên là phóng viên nhiếp ảnh báo Tiền Phong. Chùm tác phẩm “Hậu phương thời chiến” chụp về các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân miền Bắc trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Các tác phẩm của ông có tính nhân văn và đã được ba cấp Hội đồng Thẩm định đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về một giai đoạn đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước.
NSNA Nguyễn Hữu Cấy, 86 tuổi – nguyên phóng viên ảnh Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin – thuộc Bộ Văn hóa. Chùm tác phẩm “Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh” của ông đã được ba cấp Hội đồng Thẩm định đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tính tư liệu, lịch sử quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùm ảnh đã ghi lại những hình ảnh xúc động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước – Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, nhân dân Thủ đô và cả nước đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của ba NSNA, hai Phóng viên Thông tấn Quân sự và gia đình họ mà còn là niềm vinh dự và tự hào của giới nhiếp ảnh cả nước.
Bài: Tuyết Minh