Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ánh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Con đường đến với nghệ thuật nhiếp ảnh muôn nẻo khác nhau, ngày nay, rất nhiều họa sĩ cũng đồng thời cầm máy sáng tạo những tác phẩm nhiếp ảnh. Có một điểm chung, khi người cầm bút lông bấm máy, ảnh của họ thường rất chặt về bố cục, đẹp về ánh sáng và chuyển tải một lượng thông tin giàu ý nghĩa qua ngôn ngữ nghệ thuật ảnh. Họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ánh là một người như thế.

14040063_588464894665184_4758305512214171852_n

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ánh 

Năm 2015 với Phạm Ánh là một năm “ được mùa”, tác phẩm của anh liên tục trúng giải trong các cuộc thi từ quốc gia đến các ngành, đoàn thể…. Anh đến với nhiếp ảnh khá muộn, mãi năm 1996, khi mà con đường hội họa anh đã đi được hơn hai chục năm. Cũng từ đấy nhiếp ảnh và hội họa cùng đồng hành trên những nẻo đường sáng tạo của Phạm Ánh.

Net xuan vung cao 1.

Nét Xuân vùng cao

Mỗi con người tùy trời ban cho nhiều hay ít sự tài hoa và hiếm lắm tài hoa đều rực rỡ, như Văn Cao ( thơ và nhạc ), Nguyễn Đình Thi ( văn, thơ, nhạc )… Tôi không có ý định so sánh ở đây, nghĩ rằng “ trời ban” được tí nào may tí ấy thôi. Phạm Ánh những năm gần đây đang “rất được” về nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh ban đầu chỉ là một thứ ghi chép tư liệu cuộc sống để họa sĩ Phạm Ánh phục vụ cho vẽ tranh. Trước kia người họa sĩ phải ký họa thì nay với sự tiện lợi của chiếc máy ảnh, chỉ việc bấm “tách” cái là xong, bắt đứng ngay dáng, nét, biểu cảm của nhân vật nào đấy…

Xuan ve 1

Xuân về 1

Nhiều họa sĩ cũng chỉ dùng chiếc máy ảnh như một công cụ ghi chép thuần túy; Phạm Ánh thì khác, anh phát hiện ra ngoài sự tiện lợi là cái khoảnh khắc của nhiếp ảnh được lưu giữ; anh thích thú với điều này và say sưa tìm cách thể hiện khoảnh khắc của nhiếp ảnh. Rồi cứ thế, niềm đam mê với nhiếp ảnh đến một cách rất tự nhiên trong cuộc đời người họa sĩ.

IMG_8702

Niềm đam mê cứ mỗi ngày tăng lên khi Phạm Ánh nhận thấy thế mạnh không loại hình nghệ thuật nào bằng được nhiếp ảnh phản ánh cuộc sống một cách trung thực, sinh động, không bày đặt, sao chép… Cuộc sống cứ chuyển động hết ngày sang đêm, sáng bình minh thì chiều hoàng hôn…; thế nhưng, cuộc sống là sự ảo diệu không bao giờ có thể biết trước, lường trước những gì đang diễn ra, sắp diễn ra… Và, nếu không có nhiếp ảnh thì biết bao điều tuyệt diệu của cuộc sống sẽ trôi nhanh vào thời gian và trở thành quá khứ, không thể níu kéo, diễn tả lại được… Anh say mê đi và chụp, có những lúc nhãng cả việc người họa sĩ của Bộ Bưu chính – Viễn thông (cũ).

8P8A5005

Đi với các nghệ sĩ nhiếp ảnh là lẽ thường tình, không đi sao có được tác phẩm, không đi sao nắm bắt được cuộc sống đang diễn ra dưới muôn vẻ đẹp khác nhau… Phạm Ánh lúc thì đi theo đoàn, theo nhóm; khi thì cứ lầm lụi một mình lang thang khắp các “hang cùng ngõ tận” của đồng bằng, hay các điểm “xa tít tắp” nơi núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… Với Phạm Ánh, mỗi chuyến đi là một cuộc khám phá và anh tâm niệm phải khám phá đến tận cùng cuộc sống, thông qua ống kính.

Mùa Xuân là cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Mùa Xuân thiên nhiên và con người đều trở nên đẹp và lung linh hơn. Cứ mỗi độ Xuân về, nghệ sĩ Phạm Ánh lại say sưa trên mọi nẻo đường của đất nước. Những ngày áp Tết còn thấy Phạm Ánh xách máy lang thang phố phường Hà Nội, thu vào ống kính những khoảnh khắc thăng hoa nét mặt người Hà Nội chuẩn bị Tết, rồi kia, chăm chú dõi theo nét bút, gương mặt ông đồ đang viết chữ bên tường Văn Miếu…; ngoài Tết, điện, đã a lô trong máy tôi đang ở Mèo Vạc, Lũng Cú, Y Tý hay Sa Pa…

Phạm Ánh tâm sự rằng, trong cái say nhiếp ảnh thì anh đắm hơn với mùa xuân và lễ hội. “Mùa Xuân ở nước mình nó kỳ lạ lắm ông ạ. Mùa Xuân có một điều gì đấy cứ thôi thúc tôi, và chắc nhiều người cũng thế. Riêng tôi cho rằng muốn cảm nhận hết được mùa Xuân thì phải đi lên vùng Tây Bắc, Việt Bắc của đất nước. Thế nên, đối với người cầm máy khai thác cho được mùa Xuân ở vùng cao là một điều vô cùng thích thú…”.

Xem ảnh Phạm Ánh chụp mùa Xuân thấy được công sức anh bỏ ra cho mỗi chuyến đi, sự chuẩn bị công phu và chăm chút kỹ lưỡng cho từng khuôn hình. Ảnh chụp về mùa Xuân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, của nhiều người cầm máy hiện nay, có thể nói không thiếu và rất nhiều ảnh đẹp, ảnh giá trị… Tuy nhiên, những khoảnh khắc Xuân, nét Xuân trong ảnh Phạm Ánh, tôi cho rằng vẫn có nét dáng riêng. Hai ảnh “Nét Xuân vùng cao 1 và 2”, có cảm giác như mùa xuân ở chốn tiên cảnh không phải trần thế. Mây bồng bềnh trên những nếp nhà và nhấn nhá quanh đó là những cây xanh đang vươn lộc… Ảnh cho ta rung cảm về mùa Xuân thật thanh khiết, nhẹ nhàng… Nếu như ở bức: “Xuân về 1”, mùa Xuân được môt tả bởi trắng gần hết khuôn hình là hoa mận, trung tâm ảnh là hai cô gái dân tộc với váy áo tinh khôi đang xuống chợ… làm nên những rung cảm ngỡ ngàng về mùa Xuân vùng cao mùa hoa mận; thì ở bức ảnh “Xuân về 2”, Phạm Ánh đưa người xem về với mùa Xuân nơi đồng bằng Bắc Bộ, với trung tâm là cây cổ thụ dáng rất đẹp như đang oằn mình nhả những chồi non sau những ngày đông giá… phía dưới là một thảm dại đang nở, và, một chấm áo đỏ người phụ nữ đang thong thả đạp xe… Cảm giác về mùa Xuân trong ảnh thật thanh bình, ấm áp. Và, mùa Xuân thật tưng bừng, vui vẻ, hạnh phúc trên từng gương mặt trẻ thơ dân tộc đang nô đùa hồn nhiên giữa vườn cải vàng, trong ảnh “Vui đùa giữa mùa Xuân”.

Vui dua giua mua xuan

Vui đùa giữa mùa Xuân

Quan niệm của Phạm Ánh mỗi khi bấm máy phải có nhân vật trung tâm là con người. Con người trong mọi hoạt động lao động đã hòa quyện vào thiên nhiên, cuộc sống để tạo nên những giá trị của cuộc sống… Điều này dễ nhận thấy trong các tác phẩm ảnh của Phạm Ánh. Đi tìm mùa Xuân và tìm sự giao hòa giữa thiên nhiên, trời đất và con người… Và, Phạm Ánh đã phần nào tìm thấy, tìm ra, đó là qua tác phẩm ảnh “Đi cấy mùa Xuân”, và “Mùa Xuân trên lưng núi”. Bức “Đi cấy mùa xuân” gọi là ảnh chụp về ruộng bậc thang cũng được, bởi đang mô tả về ruộng bậc thang. Ảnh là một bức tranh đẹp mà trong đó lao động của con người hòa quyện với thiên nhiên và làm nên một cảnh sắc hiếm thấy… Bức “Mùa xuân trên lưng núi” lại bừng lên cái không khí của mùa xuân vùng cao với hoa mận bao trùm khung cảnh. Con người lao động ở đây hình như đã như một bài ca…

1Di cay mua xuan

Đi cấy mùa Xuân

Mùa Xuân cũng là mùa của lễ hội diễn ra trên mọi vùng, miền của tổ quốc. Nói về nét Xuân trong ảnh Phạm Ánh mà thiếu mảng ảnh về lễ hội, âu là một khiếm khuyết.  Xem những bộ ảnh về lễ hội của anh thấy công sức, trí tuệ người nghệ sĩ bỏ ra thật xứng đáng. Bất cứ người cầm máy nào cũng đều đã từng bấm máy không ít lần về lễ hội. Nhiều tác phẩm về lễ hội được chụp rất thành công và để lại dư âm tốt với công chúng. NSNA Phạm Ánh không ngại bước chân vào con đường mòn nhiều người đã từng đi; anh say cái không khí linh thiêng mà náo nhiệt của lễ hội, say những niềm hân hoan dân gian của con người từng vùng đất được bày tỏ qua lễ hội, say những sắc màu dân gian đầy sự biểu đạt và khoáng đạt, say những gương mặt đầy thần thái chỉ bừng sáng qua lễ hội… Chính thế, trước mỗi lần chụp về lễ hội Phạm Ánh đều đầu tư công sức tìm hiểu, nghiên cứu khá kỹ về từng lễ hội. Anh tâm sự: “Tôi không muốn chỉ là người đi sao chép, phản ánh các lễ hội thông qua nhiếp ảnh. Tôi mong muốn bắt được, chụp được những gì tinh túy nhất, tinh thần nhất, tượng trưng nhất về một lễ hội nào đấy; muốn thế mình phải hiểu biết tương đối về từng lễ hội thì ảnh mình nó mới đọng lại được…”. Vâng! Quả là một thái độ, một lao động nghệ thuật nghiêm túc. Tôi cũng chợt nhận ra một NSNA Phạm Ánh kiệm lời, thường lặng lẽ trước đám đông; nhưng tên thường được xướng trong nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật, lúc giải này, lúc giải kia…

Xuan ve 2

Xuân về 2

Hồi đầu năm 2015, một triển lãm về lễ hội thu hút sự quan tâm của giới nhiếp ảnh và công chúng tại Trung tâm Triển lãm 29 phố Hàng Bài, Hoàn kiếm, Hà Nội, do Cục Hàng Không Việt Nam cùng tạp chí Heritage tổ chức; nghệ sĩ Phạm Ánh được chọn trưng bày 3 bộ ảnh cỡ lớn về lễ hội: Lễ hội pháo Đồng Kỵ ( Từ Sơn, Bắc Ninh), Lễ hội Vật cầu bùn ( Việt Yên, Bắc Giang), Lễ hội vẽ trang trí trên mình trâu (xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam). Cho đến nay, Phạm Ánh là một trong những NSNA có nhiều ảnh đẹp về lễ hội của Việt Nam. Cũng từ uy tín những tác phẩm chụp lễ hội, mùa Hè 2015 nghệ sĩ Phạm Ánh được tạp chí Heritage mời riêng một chuyến đi 10 ngày chụp các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, gồm: Thành cổ Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Thành nhà Hồ, Tràng An. Sau đó anh được cấp bằng và trở thành hội viên Hội Di sản thế giới của Việt Nam. Anh khoe: “Bây giờ mình có thể đi chụp bất cứ di sản thế giới nào tại Việt Nam mà không gặp khó khăn về giấy tờ, thủ tục này nọ… ngược lại còn được nhiều nơi tạo điều kiện thuận lợi tối đa để chụp”.

Ảnh về lễ hội của Phạm Ánh thường không sa vào nắm bắt quang cảnh hay những đặc tả chân dung… Toát lên là nội dung chính của sự kiện với những góc độ đầy bất ngờ. Mỗi ảnh phải nói được một điều gì đấy về tinh thần, không khí, và một bộ ảnh phải chuyển tải được đầy đủ thông điệp thẩm mỹ thông qua lễ hội. Phạm Ánh cũng đặc biệt quan tâm đến màu sắc trong ảnh lễ hội. Thông thường lễ hội là những sắc màu rực rỡ nhiều khi đến chói, nhàm… Chọn chụp như thế nào để màu sắc thật hài hòa với những điều định nói… Có lẽ ở đây tư duy người họa sĩ đã giúp anh thành công.

Mua xuan tren lung nui

Mùa Xuân trên lưng núi

Một số thành công đã có, chưa hài lòng trên con đường chinh phục nghệ thuật nhiếp ảnh, Phạm Ánh đã mấy lần nói với tôi: “Chưa có gì đâu, chưa ăn thua gì đâu so với bao người, mình còn phải cố nhiều lắm…”; nhưng tôi đã thấy một niềm đam mê, một khao khát sáng tạo, một hướng đi trong con người họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ánh. Và, tôi đồng quan điểm với anh: “Tôi thích sự tự nhiên và những khoảnh khắc của cuộc sống, hết sức hạn chế sự can thiệp của Photoshop trong ảnh…”.

Người nghệ sĩ sinh ra trong lòng Hà Nội, khi Thủ đô còn đang bị tạm chiếm (1949), quê gốc ở Hành Thiện, Nam Định, người họa sĩ  lãng tử trong nghệ thuật, NSNA Phạm Ánh nhuốm vẻ phong trần lại đang chuẩn bị máy móc, đồ nghề đến với mọi miền Tổ quốc trong những ngày Xuân.

Bài: NSNA Cao Minh

Ảnh: NSNA Phạm Ánh

Tin liên quan