Đồn biên phòng Ra Mai có vườn rau hơn nghìn m2 xanh tốt, cùng 2 ha cao su, 600 con gà, đàn lợn, dê, ngan ngỗng…
Hôm 27/4, hơn 10 hộ dân ở xã Trọng Hóa được Đồn biên phòng Ra Mai mời đến thăm đơn vị. Những người này được dẫn đi thăm vườn cao su rộng 2 ha, 6 năm tuổi, đã đến kỳ thu hoạch nhựa. Đây là vườn cao su đầu tiên ở xã biên giới này. Đồn Ra Mai trồng thí điểm vừa để phát triển kinh tế cho đơn vị, vừa để người dân học tập, tạo sinh kế bền vững.
Chị Hồ Thị Khăm, người dân tộc Vân Kiều, tự rải phân sau khi quan sát cán bộ biên phòng thị phạm. Đến đây, chị Khăm mới biết cây trồng cũng cần bón phân. Lâu nay, chị Khăm trồng lúa rẫy, chỉ biết nhờ trời. “Mỗi mùa rẫy chỉ được 7 đến 10 bao, ăn ba tháng là hết, phải chờ gạo của nhà nước”, chị Khăm nói. Ngoài lúa rẫy, gia đình chị trồng thêm một ít diện tích tràm, nuôi 3 con bò.
Sau vườn cao su, các hộ dân được dẫn đến thăm chuồng nuôi 6 con đà điểu. Binh nhất Đinh Quốc Nghĩa, chiến sĩ phụ trách nuôi đà điểu, đang giới thiệu cho 2 người dân về giá trị và cách chăm sóc đà điểu. Bên ngoài, những người còn lại đứng quan sát và bàn tán.
Đàn đà điểu được nuôi từ tháng 9/2020, đến nay mỗi con nặng khoảng 60-70kg. Binh nhất Nghĩa nói ban đầu, nuôi đà điểu chưa có kỹ thuật nên cũng có mất mát, nhưng nay các con đà điểu ổn định, thích nghi với môi trường.
Người bản địa đa phần là dân tộc thiểu số Vân Kiều, Mày, Chứt… kiến thức phát triển kinh tế còn hạn chế, họ chỉ tin vào những gì mắt thấy, tai nghe.https://7c92f2cf5d7d7c70ca6586a7c6736b78.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Trung uý chuyên nghiệp Phan Quốc Bảo Thắng phụ trách tăng gia, đang cho đàn gà 600 con ăn.
Anh học hỏi cách chăn nuôi từ các cán bộ đi trước, đồng thời lên mạng tham khảo thêm. Năm 2020, Đồn có hàng chục con lợn bản, nhưng dịch tả lợn châu Phi nên đồn hiện chỉ còn 2 chuồng với một lợn nái, gần 10 lợn lứa.
Vườn tăng gia rộng nghìn m2. Khu vực này địa hình núi cao, đất đai cằn cỗi, mùa hè hạn hán, mùa đông mưa nhiều, không thuận lợi để làm nông nghiệp. Dù vậy, với sự chăm sóc cần mẫn, chở đất màu và phân từ nơi khác về, bộ đội luôn có rau xanh tươi, sạch để cải thiện bữa ăn.
Vườn rau được chia thành luống ngăn nắp, với hàng chục loại như dền, mồng tơi, muống, khoai, đậu nhớt, rau thơm.
“Tăng gia cải thiện bữa ăn, đảm bảo chất lượng rau xanh, thực phẩm, tăng cường sức khỏe cho bộ đội để đảm bảo an ninh biên giới và phòng chống dịch Covid-19”, trung tá Trịnh Anh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ra Mai nói.
Anh Hồ Tha ngang qua giàn mướp đắng nên xin phép vào hái những quả chín làm giống. “Tôi chưa trồng cây này lần nào, nhưng bộ đội trồng được thì tôi cũng trồng được”, anh Tha nói.
Đồn cũng sẵn sàng cung cấp cây con giống cho bà con.
Với chăn nuôi, các chiến sĩ thường vào rừng chặt chuối về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hôm nay, đại úy Hồ Xuân Thon cùng 2 đồng đội vào khe Ta Cô ở bản Cha Cáp, cách đơn vị khoảng 4 km để chặt chuối. Mỗi người chặt và chở về 3-4 cây, giúp chăn nuôi trong một tuần lễ.
Đồn biên phòng Ra Mai quản lý gần 26,5 km đường biên, qua 2 xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) và Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), với hơn 11.000 dân. Trong đó, Trọng Hóa là xã đặc biệt khó khăn.
Nhiều năm qua, đơn vị xây dựng được một vườn tăng gia xanh mướt như một nông trại ở miền sơn cước.