Tết nơi biên giới Tây Nam

Tất bật canh phòng biên cương, các chiến sĩ xa quê tranh thủ trước ca trực gọi về gia đình gửi những lời chúc Tết, thăm hỏi sức khoẻ.

Những chậu mai vàng đặt góc sân làm căn nhà sàn cách biên giới Campuchia 2 km – nơi sinh hoạt, làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của các chiến sĩ chốt số 4 thuộc Đồn biên phòng Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang thêm sắc xuân.

Chiếc bàn nhỏ giữa nhà đã có vài giỏ bánh mứt, nước ngọt do trung uý Hoàng Văn Châu – chốt trưởng chốt số 4 mua về từ buổi chợ hai hôm trước. Người chiến sĩ quê Nghệ An hai năm liền tự tay sắm Tết cho anh em trong đội.

Chốt số 4 triển khia lực lượng tuần tra trên tuyến biên giới khuya 19/1. Ảnh: Ngọc Tài
Chốt số 4 triển khia lực lượng tuần tra trên tuyến biên giới dịp gần Tết. Ảnh: Ngọc Tài

Ngày Tết nhưng nhiều nông dân vùng biên vẫn ra đồng, trời nhá nhem tối mới lục đục về nhà. Đến chốt, họ chuyện trò với các chú bộ đội, từ chuyện đồng áng, giá cả thị trường đến không khí Tết. Vài nông dân biếu người lính biên thuỳ ít quả đậu bắp, đậu rồng, cà nâu vừa thu hoạch.

Khi người dân cuối cùng rời nương rẫy, mâm cơm chiều của người lính cũng vừa bày lên với món thịt kho hột vịt, một dĩa dưa chua và tô canh bầu hầm thịt vịt. Quây quần bên mâm cơm ngày đầu năm, họ kể cho nhau nghe những phong tục sắm Tết, vui xuân nơi quê nhà.

Tết đến là thời điểm biên phòng canh giữ, chống xâm nhập trái phép, buôn lậu nhiều hơn. Các chiến sĩ hầu như không có thời gian rảnh. Trước khi vào ca trực tối, trung uý Châu tranh thủ gọi điện cho người thân. Vừa thấy anh, cậu con trai 4 tuổi liền hỏi: “Khi nào bố về”. Dỗ dành con xong, người chốt trưởng tắt máy, mang đèn pin, gậy rồi cùng các đồng đội di chuyển ra đường biên khi sương đêm bắt đầu xuống, tiết trời se lạnh

Anh Châu cũng như nhiều chiến sĩ nơi biên thuỳ, 2 năm qua họ trực chiến tại đơn vị, chỉ gửi những lời chúc tết, thăm hỏi người thân qua điện thoại. “Ai xa quê mà không nhớ nhà, nhớ người thân nhưng tất cả chiến sĩ ở đây đều xác định nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc lên hàng đầu”, anh nói trong lúc cùng đồng đội tuần tra.

Trung uý Châu tranh thỏi gọi điện hỏi thăm gia đình trước khi vào ca trực buổi tối. Ảnh: Ngọc Tài
Trung uý Châu gọi điện hỏi thăm gia đình trước khi vào ca trực buổi tối. Ảnh: Ngọc Tài

Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên Đồn biên phòng Phú Hữu, cho biết đồn quản lý đoạn biên giới dài gần 4,5 km, tổng cộng 13 chốt thực hiện nhiệm vụ 24/24. Tuyến biên giới này không hiểm trở song khó quan sát bằng mắt thường, dân cư sát đường biên đông đúc, hoạt động buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép thường lợi dụng đêm tối, nương rẫy dễ ẩn nấp rồi xâm nhập.

Từ lúc dịch bùng phát, tất cả 5 chỉ huy của Đồn biên phòng Phú Hữu đều trực tiếp phụ trách, sát cánh cùng các chiến sĩ ở chốt biên giới, ngăn chặn mầm bệnh theo người nhập cư trái phép xâm nhập vào nội địa. Ngoài ra, việc được trang bị thiết bị trinh sát ảnh nhiệt (hỗ trợ quan sát từ xa bằng cảm biến nhiệt) góp phần ngăn chặn gần 50 vụ xâm nhập trái phép, buôn lậu trong năm 2021.

Bộ đội biên phòng ở Tây Nam ngoài bảo vệ đường biên, mốc giới còn thường xuyên giúp đỡ người dân trong vùng từ xây nhà, chăm lo đời sống và nhận đỡ đầu các trẻ mồi côi, hoàn cảnh khó khăn – thuộc chương trình nâng bước em đến trường triển khai từ năm 2017.

Thiếu tá Huy vừa có chuyến ghé thăm, chúc Tết gia đình 2 em Say Tul và Phy Tah – đồng bào Chăm, được biên phòng nhận đỡ đầu từ lớp 1. Qua chuyến đò ngang, đi khoảng 3 km, anh Huy cùng trung uý Tân phụ trách phong trào quần chúng, mỗi người chở 2 phần quà Tết rẽ vào nhà Say Tul. Đó là căn nhà mái tôn mới tinh được xây từ nguồn kinh phí vận động của biên phòng và địa phương.

Mừng tân gia nhà đã 10 ngày nhưng bà Ty Sa Ra – 44 tuổi, mẹ Say Tul vẫn vừa cười, vừa khóc, không dám tin mình đã có nhà mới. “Hôm tân gia nhà tôi mừng quá suốt đêm không ngủ được”, người phụ nữ goá chồng tảo tần nuôi con bằng công việc chở hàng thuê kể, cho biết sắp tới chuyển sang buôn bán tạp hoá nhỏ trước nhà để nhiều thời gian chăm sóc con.

Chốt số 4 triển khia lực lượng tuần tra trên tuyến biên giới khuya 19/1. Ảnh: Ngọc Tài
Tàu biên phòng Trà Vinh tăng cường cho An Giang canh giữ tuyến biên giới trên sông Tiền. Ảnh: Ngọc Tài

Rời nhà Say Tul, men theo con kênh nhỏ đổ ra sông Tiền, thiếu tá Huy lên tàu biên phòng tỉnh Trà Vinh tăng cường cho An Giang làm nhiệm vụ trong những ngày Tết đến xuân về. Trên boong tàu một chiến sĩ trong ca trực, tập trung quan sát các tàu, thuyền qua lại trên sông gần biên giới dài hơn một km.

Đại uý Huỳnh Duy Phương, Thuyền trưởng nhận nhiệm vụ tăng cường biên phòng An Giang từ tháng 6/2021 khi vừa kết hôn được 2 tháng. “Hôm nhận lệnh điều động chỉ có ngày đi chứ không biết ngày về. Mình cố gắng động viên gia đình vì nhiệm vụ chung giữ gìn biên giới, bảo vệ nhân dân, gác lại việc riêng”, anh Phương chia sẻ.

Ngoài đoạn biên giới trên sông Tiền, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) còn bảo vệ hơn 6 km đường biên, duy trì 13 chốt trên đất liền và 4 chốt trên sông hoạt động 24/24. Năm 2021, đơn vị này bắt gần 150 vụ xâm nhập trái phép, hàng chục vụ buôn lậu lớn.

Trong năm qua Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang duy trì hơn 200 tổ chốt tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới dài 100 km với lực lượng hơn 1.000 người. Qua đó lực lượng biên phòng triệt phá 13 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, 233 vụ buôn lậu, hơn 1.300 vụ xuất nhập cảnh trái phép.

Biên phòng An Giang bên cạnh yêu cầu các cán bộ chiến sĩ thực hiện nghiêm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau Tết vẫn tạo điều kiện cho một vài chiến sĩ tranh thủ về phép. Những người được về phép thuộc diện đặc biệt khó khăn, neo đơn, 2 năm chưa về quê. Những chiến sĩ còn trực chiến sẽ đón cái Tết đầm ấm ở đơn vị.

Trong lúc những tàu biên phòng làm nhiệm vụ trên sông, tổ của trung uý Hoàng Văn Châu canh gác suốt đêm trên tuyến tuần tra chung với nước bạn Campuchia. Dưới ánh trăng, các chiến sĩ cùng ngân nga khúc ca quen thuộc: “Người lính biên phòng ngày đêm tay súng, gìn giữ biên cương theo tiếng gọi quê hương. Dù nơi đảo xa hay rừng sâu núi thẳm, người lính chúng tôi chẳng quản ngại gian lao…”.

Tin liên quan