Những đàn trâu trị giá trăm triệu đồng được người dân Sa Pa đưa từ trên rừng về lán, thuê ô tô chở xuống vùng thấp cách 30 km để tránh rét.
Chiều 20/2, nhiều hộ dân ở thị xã Sa Pa mang trâu đi tránh trú ở vùng thấp Cốc San (ven thành phố Lào Cai) trước khi không khí lạnh tiếp tục tăng cường. Nhiệt độ sáng cùng ngày ở nhiều nơi giảm sâu, Sa Pa còn khoảng 2 độ C, trong khi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Xín Cái (Hà Giang), Phia Oắc (Cao Bằng) đã có băng mỏng.
Trước mỗi đợt gió mùa đông bắc hằng năm, nhiều hộ người Mông ở quanh Sa Pa thường mang trâu xuống bãi thả ở Cốc San tránh rét và đến mùa xuân năm sau mới lùa về. Đầu mùa đông là lúc thu hoạch xong ngô trên nương, cỏ bắt đầu lụi, khan hiếm thức ăn cho trâu bò.
Cốc San nằm trong thung lũng kín gió, cách Sa Pa hơn 30 km, nhiệt độ khoảng 10 độ C trong khi thị xã giảm xuống còn khoảng 1 độ C.
Gia đình ông Mã A Phử (50 tuổi, trú phường Hàm Rồng) nuôi 4 con trâu. Một tháng trước, ông chi 600.000 đồng thuê xe tải chở đàn trâu từ Sa Pa xuống Cốc San tránh rét, dự kiến cuối tháng 3 mới đưa về.
Người nuôi trâu thường theo dõi tin tức trên báo đài hoặc truyền tai nhau để đi cắt cỏ về tích trữ, lên rừng kiếm thêm củi, che chắn lán trại cho vững vàng trước gió bấc. Những hộ dân chăn nuôi quanh thị xã đều nhận thấy Sa Pa ngày càng khan hiếm nước. Đất mỗi năm một cằn khô, cỏ khó mọc, những bãi cỏ tự nhiên khó kiếm hơn.https://9b238d50ac9b34046f6882dca4430f93.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Trâu nuôi trưởng thành có giá trị 30-40 triệu đồng, nghé 10-15 triệu. Đàn trâu 3-5 con có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Với người Mông như ông Phử, nuôi trâu để tích luỹ kinh tế khi có việc lớn như xây sửa nhà, cưới vợ gả chồng, cho con đi học. “Bí lắm, không có tiền mới phải bán trâu”, ông Phử nói.
Chuồng nhà anh anh Mã A Tru có hai trâu, một nghé. Chăn nuôi hơn chục năm, trải bao mùa rét đậm, rét hại, người đàn ông 42 tuổi nhớ nhất mùa đông năm 2016 khi tuyết rơi liên tục ở Sa Pa, Y Tý, trâu bò cước chân rồi lăn ra chết. Năm đó, con trâu nuôi bốn năm cứ đuối sức dần, anh phải gọi gấp lái buôn, bán hơn 10 triệu, trong khi trâu sống giá trị gấp 3-4 lần.
Lều lán tạm bợ căng từ vải bạt, đóng cọc bằng thân luồng hoặc cây gỗ, buộc thép. Mỗi mùa lùa trâu đi tránh rét, người dân thường chặt cây, mua bạt mới để sửa lều trại.
Hạng A Sung, 15 tuổi, ngồi chơi điện tử trong chòi sau khi đã lùa trâu đi ăn về. Cậu cùng bố mẹ đưa 5 con trâu từ Sa Pa xuống tránh rét hôm 18/2 Sung đã nghỉ học từ mấy năm trước, là nhân lực chăn trâu chính của gia đình.
Với hộ nuôi hàng chục trâu, cả gia đình thay nhau về San Cốc để trông nom. Họ nuôi gà, trồng sắn, ngô ở các triền đồi quanh nơi chăn thả.
Do các gia đình cùng chăn nuôi chung một khu vực, nhiều hộ phải đuổi trâu đi xa tận 5 km mới tìm được nguồn thức ăn.https://9b238d50ac9b34046f6882dca4430f93.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Chiều muộn, anh Tru cùng vợ lên rừng lấy thêm củi, cắt thêm cỏ, sợ những ngày kế tiếp nhiệt độ sẽ càng xuống thấp.
Trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ cách Sa Pa gần 10 km, anh Hạng A Sài đuổi đàn 11 con cả trâu lẫn nghé về nương gần nhà. Đàn trâu sẽ được quây bạt tạm trong lều lán cho đến khi hết đợt rét đậm, dự kiến vào 24/2. Mỗi mùa đông đến, điều mà người bản địa nuôi trâu như anh Sài không mong muốn nhất là băng tuyết rơi.
Miền Bắc bước vào ngày thứ hai của đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa, gây rét đậm, rét hại. Không khí lạnh mạnh liên tục tăng cường trong hai ngày 20-21/2, kết hợp với hội tụ gió trên cao sẽ gây mưa rào và giông diện rộng ở miền Bắc. Người dân được khuyến cáo tránh rét cho trâu bò, hạn chế hoạt động ngoài trời, đặc biệt không dùng than sưởi ấm trong phòng kín.