Hồng quân trên đỉnh Thiên Cấm Sơn được trồng xen dưới tán rừng, không cần chăm sóc, khi chín màu đỏ, ngọt, thơm, vò kỹ trước khi ăn sẽ giảm vị chát.
Một ngày tháng 8, dọc theo tuyến đường lên đỉnh Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, cao 700 m), những cây hồng quân mọc ven đường bắt đầu cho trái chín. Cây tán càng to càng nhiều trái – mọc từng chùm, lúc lỉu trên cành nhìn rất đã mắt. Mới đầu vụ nên trái trên cây đa phần màu xanh, một ít chuyển màu đỏ nhạt.
Sáu cây hồng quân hơn 20 năm tuổi của bà Nguyễn Thị Đoan (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) bắt đầu chín khoảng một tuần nay. Cây mọc chen dưới chân những tảng đá to, thân cao khoảng năm mét, nghiêng theo triền dốc để hứng được nhiều ánh sáng.
Mấy năm gần đây người phụ nữ 66 tuổi không bỏ công hái mà bán “mão” (bán hết số trái trên cây, không cân ký) 6 cây với giá ba triệu đồng. Người mua hái dần những trái chín đem xuống chân núi bán cho vựa. Vì không tốn công chăm sóc, đầu tư bà lời trọn số tiền bán trái.
Nguồn gốc số cây hồng quân này do người họ hàng xin giống ở núi Tô (huyện Tri Tôn) mang về trồng. Lúc đầu bà tưởng cây dại vì thân mảnh như dây leo, gai rất nhiều. Càng lớn chúng ít gai, thân gỗ và cho trái sau 5-6 năm trồng. “Cây này sống dai lắm, có cưa ngang gốc nó cũng lên nhánh sống tiếp”, bà Đoan nói.
Mấy năm đầu gia đình bà tranh thủ hái để kiếm thêm đồng lời, song khá tốn công vì trái nhiều, nhỏ, phải lựa hái từng trái. Bây giờ bà lớn tuổi, các con có công việc ổn định nên không thể hái như trước nên bán mão, chấp nhận lời ít hơn. Song bà có thời gian rảnh vót đũa kiếm thêm thu nhập.
Phía trước nhà bà Đoan – nơi anh Chau Sa cùng người nhà đang hái hồng quân trên cành. Mỗi người mang theo chiếc giỏ to đựng trái, treo dưới cành cây. Họ chọn trái bắt đầu ngả sang màu đỏ nhạt hái trước. Lúc lên gần ngọn cây, họ vừa hái vừa canh gió nếu gió mạnh ngọn cây ngả nghiêng, sẽ leo xuống đợi bớt gió mới hái tiếp.
“Ba đến bốn ngày hái một đợt, mỗi cây hái khoảng hai tháng là hết trái”, Chau Sa cho biết. Với những cây mọc ở dốc thẳng đứng, khó hái họ dùng lồng hoặc thang tre tốn nhiều thời gian hơn. Trung bình một cây trưởng thành cho khoảng 70 kg mỗi năm, giá bán tại vựa giao động 5.000-10.000 đồng mỗi kg. Sau khi trừ chi phí, anh Sa lời 3-5 triệu đồng một cây, 12-20 triệu đồng mỗi mùa.
Mùa hồng quân xứ núi thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, một vài cây ra trái muộn kéo dài đến tháng 3 năm sau. Chúng được trồng từ hạt hoặc chiết nhánh, không cần chăm sóc, bón phân. Trái cũng không bị sâu hại tấn công. Cây phát triển tốt ở khí hậu mát mẻ, mùa khô cây rụng lá đến khi mưa xuống chúng bắt đầu ra lá non, đơm hoa, kết trái.
Hồng quân còn gọi là bồ quân tên khoa học là Flacourtia Jangomas, có nhiều ở các nước Đông Nam Á. Cây cao trung bình 5-8 m, thân gai nhọn, lá nhỏ, bông trắng. Chúng vốn là thức quà quen thuộc của trẻ con xứ núi. Ngoài ăn tươi, loại quả được ví là cherry của Việt Nam có thể chấm với muối ớt, ngâm rượu,…
Đa số mỗi nhà trên đỉnh núi Cấm đều trồng một vài cây hồng quân. Lâu dần, trái cây này trở thành đặc sản, bán cho du khách thập phương. Ở An Giang ngoài núi Cấm, hồng quân còn trồng nhiều ở các ngọn núi khác của vùng Bảy Núi, nhiều nhất là ở Tịnh Biên và Tri Tôn.