Nhiều đồ gốm sứ tiêu biểu, đặc sắc được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ năm 2002 đến nay được giới thiệu tới công chúng.
Từ ngày 8/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức trưng bày các cổ vật với chủ đề “Báu vật hoàng cung Thăng Long”.
Triển lãm giới thiệu 29 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc trong hoàng cung Thăng Long thời Lý – Trần, thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng. Đây là những đồ dùng, vật dụng không thể thiếu trong đời sống hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ, sinh nhật vua, lễ đăng quang của nhà vua…
Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây, thời Lý, thế kỷ 11-12.
Bình rượu gốm hoa nâu, thân tạo hình bông sen, thời Lý, thế kỷ 11-12.
Thạp gốm hoa nâu có nắp, thân trang trí hoa sen dây, thời Trần, thế kỷ 13-14.
Khách tham quan chậu lớn để đựng nước, có vai trang trí khắc chìm hoa văn đồng tiền và đắp nổi hoa văn cánh sen, thời Trần, thế kỷ 13-14.
Thanh kiếm cẩn tam khí hình nhân vật và hoa lá, thời Trần, thế kỷ 13-14.
Click để lật ảnh
Click để lật ảnh
Đĩa gốm vẽ nhiều màu thuộc đồ dùng của nhà vua, thời Lê sơ, thế kỷ 15.
Những hiện vật này cho biết kỹ thuật sản xuất đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua do lò quan Thăng Long chế tác.
Dưới sự trợ giúp của công nghệ trình chiếu 3D mapping, những hoa văn, họa tiết bị mất được tái tạo trực quan để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp, tính sang quý của đồ gốm của hoàng cung Thăng Long xưa.
Mảnh lá vàng trang trí hình rồng và văn mây vàng… thời Lý – Trần, thế kỷ 11-14.
Đĩa gốm vẽ nhiều màu thời Lê sơ. Chiếc đĩa lớn có miệng tạo cánh sen, giữa lòng vẽ cảnh không gian sân vườn cùng lầu gác và các nhân vật. Hình ảnh cho thấy sự thanh bình, thơ mộng của chốn hoàng cung Thăng Long xưa.
Dựa trên các nguồn tư liệu, chuyên gia gốm cổ Việt Nam có thể tái tạo một số đồ án hoa văn và trình chiếu bằng công nghệ 3D mapping.
Nhiều đồ dùng của nhà vua, thời Lê sơ như đĩa lớn, đĩa nhỏ, bát gốm… với thành ngoài vẽ văn cánh sen, thành ngoài và trong lòng vẽ rồng.
Nậm và chén rượu nhỏ men trắng (hàng trên) được làm ở làng gốm Bình Giang (Hải Dương), thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17-18. Bên cạnh là bát nhỏ hoa lam trang trí văn chấm dài.
Hàng dưới là bát nhỏ hoa lam và đĩa nhỏ với thành ngoài và trong lòng vẽ chim phượng, rồng. Đây là đồ dùng của vương hậu, thời Mạc, thế kỷ 16.
Năm 2017, tại hố khai quật ở phía đông điện Kính Thiên, các nhà khảo cổ tìm thấy một giếng đá, thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17. Giếng có đường kính miệng 68 cm, cao 41 cm. Loại giếng này từng được sử dụng trong đời sống sinh hoạt của hoàng cung Thăng Long xưa.