Trên khu đất rộng hơn 4.000 m2 ở sườn núi Đốn Sơn, huyện Vĩnh Lộc, ông Nguyễn Hải Hưng trưng bày hơn 50.000 cổ vật, đón khách tham quan miễn phí.
Ông Nguyễn Hải Hưng, 54 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, được mệnh danh là “trùm cổ vật” ở vùng Tây Đô, tên gọi cũ của thành nhà Hồ.
Hiện ông sở hữu hơn 50.000 cổ vật các loại, niên đại hàng trăm năm. Mỗi ngày ông Hưng dành thời gian lau chùi, ngắm nghía rồi tỉ mẩn sắp xếp số cổ vật theo từng chủng loại, niên đại…
Số cổ vật được ông Hưng dày công sưu tầm suốt 30 năm qua, hiện được trưng bày trong 5 ngôi nhà dựng trên khuôn viên hơn 4.000 m2. Ông đặt tên cho bảo tàng nhỏ trên sườn núi Đún (Đốn Sơn, cạnh Đàn tế Nam Giao, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía đông nam) là Lâm Sơn Trang.
Trong ảnh là ngôi nhà được ông Hưng mua lại của một gia đình ở Yên Bái vào năm 2011. Căn nhà năm gian, thiết kế theo kiểu chồng giường kẻ bảy, toàn bộ mặt tiền được làm bằng gỗ mít, chạm trổ hoa văn tinh xảo. Năm dựng nhà được khắc bằng chữ Hán trên xà nóc – Khải Định tam niên (1918). Trong nhà, ông Hưng trưng bày khoảng 1.000 cổ vật.
Chiếm nhiều nhất trong bảo tàng cổ vật của ông Hưng là đồ gốm sứ thời phong kiến Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Hưng sinh ra ở vùng quê nghèo chiêm trũng huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Gia đình đông con nên học hết lớp 4 ông đã phải bôn ba đi làm thuê khắp nơi kiếm sống. Năm 1985 rời quê hương, ông đến huyện Vĩnh Lộc lập nghiệp với nghề buôn bán gia súc.
Khoảng năm 1990, trong một lần đi buôn lợn, ông Hưng tình cờ được một ông chủ buôn đồ cổ nhờ chiếc xe Minsk của mình đi vận chuyển đồ cổ và được trả thù lao hậu hĩnh. Sau đó được thuê thêm nhiều lần chở hàng, ông Hưng nhận thấy nghề này “dễ kiếm ăn hơn nghề lái lợn” nên nảy ra ý tưởng săn tìm đồ cổ bán lại kiếm lời.
“Từ những chiếc bát, cái chum, đến trống đồng các loại…, hễ nghe tin ở đâu đào được thứ đồ quý tôi lại lân la tìm mua”, ông kể. Cứ thế, ông trở thành người buôn đồ cổ lớn nhất vùng.
Ngôi nhà khắc chữ Hán trên xà nóc Thành Thái thất niên (năm thứ 7 đời vua Thành Thái – 1896), thiết kế ba gian theo kiểu nhà lộn thềm, được ông Hưng mua lại của một gia đình ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, năm 2016. Trong nhà, ông Hưng trưng bày, lưu giữ khoảng 1.500 hiện vật.
Chính giữa căn nhà cổ niên đại Thành Thái thất niên là 8 bức họa, được ông mua lại từ một người làng Đa Bút (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc). Chủ nhân cũ của bức họa kể, tìm thấy số tranh trong thân cây gỗ lớn khi phá bỏ chuồng trâu. Có nhiều người trả giá cao song ông Hưng không đồng ý bán mà để lại nghiên cứu lai lịch.
Ông Hưng cho hay, trong 15 năm đầu lúc mới vào nghề chơi đồ cổ, ông chủ yếu mua đi bán lại kiếm lời, nhưng hơn chục năm gần đây chỉ sưu tập để chơi và trưng bày. Ông mong muốn mở rộng bảo tàng nhỏ để thông qua các cổ vật có thể góp phần giới thiệu lịch sử các nền văn hóa đến với nhiều người hơn.
Nổi bật trong số đó là chiếc trống đồng, mặt và thân trống có nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo và 6 con ếch đúc nổi, giống với trống đồng Đông Sơn. Mỗi khi được chủ nhân đánh, tiếng trống ngân vang rất xa.
Một trong số cổ vật được ông Hưng coi là quý nhất trong bộ sưu tập của mình là hai cặp “nhị thụt thống” ông mới mua khi người dân đào được dưới cánh đồng làng Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc.
Hiện vật giống chiếc thống đất nung đang trưng bày tại thành nhà Hồ, được cho liên quan đến triều Hồ (1400-1407), dùng cho nhà vua rửa tay, tẩy trần trước khi cử hành nghi lễ cúng tế trời đất.
Bức tượng thần đèn bằng đồng dùng trong nghi lễ cúng tế thời xưa.
Bảo tàng cổ vật của ông Hưng thu hút nhiều nhà khảo cổ tới nghiên cứu. Năm 2019, ông được Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong trưng bày hiện vật phục vụ triển lãm Thanh Hóa xưa và nay, nhân kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
Bảo tàng cổ vật của ông Hưng có khoảng 300 kg tiền đồng các loại trong đó có tiền nhà Minh, nhà Thanh, nhà Lê… Nhiều hũ còn khá nguyên vẹn song có những hũ bị oxy hóa, gãy vỡ, bạc màu.
Căn nhà tranh tre ở góc trái bảo tàng là nơi ông Hưng lưu giữ hơn 45.000 hiện vật gốm sứ các loại. Do diện tích không đủ lớn, chủ nhân phải đem xếp chồng lên nhau hoặc để quanh hiên nhà, tràn cả ra các khoảnh vườn.
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay bảo tàng cổ vật Lâm Sơn Trang của ông Nguyễn Hải Hưng những năm gần đây là điểm tham quan vệ tinh của di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ, thu hút nhiều du khách ghé thăm. Các hiện vật ở đây mang giá trị lịch sử to lớn, giúp người xem thêm am hiểu về các nền văn hóa cổ xưa và có ý nghĩa giáo dục rất lớn.