Nuôi cá tầm ở núi rừng Khe San

Đầu tư hàng trăm triệu đồng đưa cá tầm Sapa về núi rừng Khe San, huyện Tiên Yên nuôi dưỡng, ông Trần Văn Mạ thu về cả tỷ đồng sau hơn một năm.

Từ quốc lộ 18C vào ao nuôi cá trong rừng của ông Mạ (42 tuổi, ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) khoảng 5 km nhưng phải đi gần một giờ mới đến vì đường hẹp, dốc và nhiều suối nhỏ cắt ngang. Đây là nơi ông Mạ mất khoảng một năm khảo sát, tìm kiếm vì cá tầm – loài cá có nguồn gốc châu Âu, chỉ nuôi được ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp.

“Ở miền Bắc, Sapa là vùng nuôi cá tầm thành công nhất. Tại Quảng Ninh mới có huyện Bình Liêu nuôi được nên tôi muốn đi tiên phong ở Tiên Yên”, ông nói.

Chọn được vùng thung lũng khí hậu mát mẻ, cây cối bao bọc xung quanh điều hòa không khí ở vùng núi rừng Khe San – nơi gia đình được giao, người đàn ông trung niên tìm thợ đào ao khởi nghiệp. Sáu ao nước lớn hình thành theo mô hình bậc thang, mỗi ao rộng 300 m2, sâu hơn một mét. Trong đó, 5 ao được phủ bạt lót đáy nuôi cá, một ao để điều tiết nước.

Ao cá tầm nằm giữa núi rừng Khe San, nơi có nguồn nước mát, sạch. Ảnh: Lê Tân

Ao cá tầm nằm giữa núi rừng Khe San, nơi có nguồn nước mát, sạch. Ảnh: Lê Tân

Xong hệ thống hạ tầng, giữa năm 2021, khoảng 6.700 con cá tầm giống dài hơn 10 cm được nhập từ Sapa về thả vào ao. Tuy nhiên, việc nuôi loại cá khó tính này không hề dễ dàng. Thời gian đầu, cá chết liên tục, ông Mạ hốt hoảng để vợ ở nhà một mình trông đàn cá, còn bản thân khăn gói lên Bình Liêu học hỏi thêm kinh nghiệm.

Đi thực tế ở nơi đã nuôi cá tầm thành công, người đàn ông mới vỡ lẽ, ao cá của mình tuy có được nguồn nước tươi mát nhưng chưa có hệ thống nước ra vào hợp lý. Nước không được thay liên tục khiến ao nhanh ô nhiễm, thiếu oxy. Để khắc phục, ông đặt hệ thống ống dẫn sát đáy để nước ra vào theo hình thác nước. Nước từ trên suối sẽ luân chuyển liên tục vào các ao nuôi như thác tự nhiên, làm tăng lượng oxy trong nước và đảm bảo nhiệt độ từ 18 đến 27 độ C. Tạp chất được lắng lại ở ao số 6, nằm ở vị trí thấp nhất rồi mới tháo ra ngoài.

Dù có hệ thống lấy nước từ suối tự động nhưng vợ chồng ông Mạ cũng phải ăn ngủ ở ao nuôi để kịp thời điều tiết lúc nắng, lúc mưa. Khi trời mưa lớn, nước có thể bị đục. Lúc đó, ông Mạ phải lên đầu nguồn kiểm tra, cần thiết thì đóng ống lấy nước nếu không ao cá sẽ bị bẩn. “Có hôm trời mưa vào đêm, sáng ra ao kiểm tra đã thấy cá chết, tiếc đứt ruột”, ông Mạ nói.

Ông Mạ và lứa cá tầm thành phẩm đầu tiên. Ảnh: Lê Tân

Ông Mạ và lứa cá tầm thành phẩm đầu tiên. Ảnh: Lê Tân

Hay khi trời nắng, nhiệt độ nước lên cao vượt ngưỡng cho phép, cá sẽ chết. Lúc đó, ông Mạ lại phải điều chỉnh ống để nước ra vào hồ nhanh hơn, giảm nhiệt độ trong ao. Mấy tháng đầu ông phải dùng máy đo liên tục, giờ có kinh nghiệm, chỉ sờ tay là biết.

Do điều kiện nuôi trên rừng núi, các loại thức ăn tự nhiên cho các tầm như giun quế, cá nhỏ, tôm, tép khó kiếm nên gia đình chủ yếu cho cá ăn cám. Cá lớn nhanh, hạn chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng lại có tập tính ăn đêm nên ông bà phải hẹn giờ dậy cho cá ăn. Sau hơn một năm, cá đã đạt từ 2 đến 3 kg, có thể xuất bán.

“Ba tấn cá đầu tiên chúng tôi bán được hơn 300 triệu đồng, gần đủ số vốn đã bỏ ra. Làm đủ thứ nghề rồi, bây giờ mới thu được số tiền lớn như thế”, bà Nịnh Thị Nùng, vợ ông Mạ cho hay.

Ao cá được thiết kế theo hình thác nước, phủ bạt lót đáy. Ảnh: Lê Tân

Ao cá được thiết kế theo hình thác nước, phủ bạt lót đáy. Ảnh: Lê Tân

Thời gian gần đây, người tìm đến đặt mua cá ngày càng nhiều nhưng ông bà chưa bán hết do mùa đông là thời điểm cá phát triển ổn định nhất. Bên cạnh bán buôn, ông Mạ đã xây một nhà sàn làm nhà hàng bán các món ăn từ cá tầm do chính mình nuôi, phục vụ du khách đến thác Khe San – một điểm tham quan mới đang được nhiều người tìm đến. Sắp tới, ông sẽ nhập thêm 4.000 con cá tầm giống, đào thêm ao ở gần nhà hàng cho khách trải nghiệm quy trình nuôi cá và tự tay bắt cá lên chế biến món ăn.

Ông Phạm Văn Hoài, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Tiên Yên đánh giá rất cao mô hình nuôi cá tầm của ông Mạ. Khi gia đình ông quyết định khởi nghiệp, UBND huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng làm vốn. “Chúng tôi luôn mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế bền vững, gắn bó với núi rừng. Để làm được điều đó, cần có những người dám nghĩ, dám đi tiên phong như anh Mạ”, ông Hoài nói.

Tin liên quan