Ba trong số 27 bảo vật quốc gia được khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, thuộc quần thể Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (quận Ba Đình) nằm ở phía tây Điện Kính Thiên, trong quần thể Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, rộng hơn 45.500 m2. Từ cuối năm 2002, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khai quật, phân làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D.
Cuộc khai quật đã phát lộ một quần thể di tích, di vật đa dạng, đan xen chồng xếp lên nhau, từ thời Đại La (thế kỷ 7-9) đến thời Đinh Tiền Lê (thế kỷ 10), thời Lý (1010-1225), thời Trần (1226-1400), thờ Lê Sơ (1428-1527), thời Mạc (1527-1592), thời Lê Trung Hưng (1593-1789) và thời Nguyễn (1802-1945).
Tại đây, 3 trong số 27 hiện vật mới được công nhận là bảo vật quốc gia.
Dấu tích nền móng kiến trúc cung điện và lầu lục giác thời Lý (thế kỷ 11-12) nằm theo chiều bắc nam, có 12 gian, 2 chái, diện tích xuất lộ hơn 1.100 m2 được nhận diện rõ qua các móng cột sỏi hình vuông.
Phía tây của khu di tích là hệ thống móng cột của 11 kiến trúc kiểu lầu lục giác chạy dài 82 m, nhận biết qua cụm cột tròn xếp hình bông hoa 6 cánh. Khoảng giữa lòng kiến trúc là dấu tích móng tường bao thời Trần dưới chân xếp hình hoa chanh. Đầu phía bắc là giếng nước thời Lê Sơ (thế kỷ 15-16) đào cắt qua kiến trúc lục giác thời Lý.
Giếng nước thời Trần (thế kỷ 13-14) sâu 2,4 m, xếp gạch hình xương cá. Khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong lòng giếng nhiều đồ gốm, vật liệu kiến trúc. Đây là giếng gạch có kỹ thuật xây dựng độc đáo, duy nhất trong khu di tích.
Ngoài ra, nơi đây còn phát lộ nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác, cùng hệ thống thoát nước, giếng cổ, sông, hồ được quy hoạch rõ ràng, tận dụng điều kiện tự nhiên, dựa trên các quy chuẩn Nho giáo và thuyết phong thủy.
Dấu tích móng tường bao thời Lý (thế kỷ 11-12) nằm theo chiều đông tây dài hơn 85 m, rộng hơn 2 m, xây bằng sỏi và gạch.
Theo nghiên cứu, bức tường có thể đóng vai trò phân chia các không gian kiến trúc trong hoàng cung Thăng Long, giữa khu vực bắc và nam của cấm thành Thăng Long.
Vật liệu gạch qua các thời kỳ hầu hết được sử dụng để xây dựng bó nền kiến trúc, tường bao, giếng nước, cống nước, đường đi.
Thời Lê (thế kỷ 15-17) gạch vồ dáng hình khối hộp chữ nhật màu đỏ và xám; dài 38-45 cm, rộng 15-17 cm, dày 15-17 cm. Thời Lý – Trần (thế kỷ 11-16), gạch đỏ là loại vật liệu được sử dụng phổ biến trong các công trình, dài 38-40 cm, rộng 18-19 cm, dày 5-6 cm. Thời Đại La (thế kỷ 8-9) gạch chủ yếu màu xám, một số viên in nổi các chữ hán, dài 39-41 cm, rộng 14-15 cm, dày 4-5 cm.
Chân tảng bằng đá thời Lê (thế kỷ 15-17) có nhiều kích thước, trung bình dài 40-60 cm, dày 20-40 cm. Hầu hết chân tảng được chế tác từ các loại đá trắng với bệ cột hình vuông, mặt bệ trong và nổi cao lên để kê chân cột. Đặc điểm này hoàn toàn khác so với những chân tảng của thời Lý – Trần.
Lớp kiến trúc thời Lê với dấu tích gạch vồ, giếng nước, đặc biệt là các loại ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly trang trí rồng 5 móng chuyên dùng để lợp mái cung điện và các loại đồ sứ ngự dụng dành riêng cho vua. Một số vị trí có dấu tích văn hóa thời Nguyễn (thế kỷ 19-20) nhưng mờ nhạt.
Đến tháng 12/2009, trong tổng diện tích khai quật 33.000 m2, các nhà khảo cổ học đã xác định được 168 di tích bao gồm: 95 nền móng kiến trúc, 16 móng tường bao, 24 giếng nước và 33 cống nước. Từ năm 2009 đến nay, khu du tích dừng khai quật và mở cửa đón khách tham quan.
Khu di tích phát lộ hàng triệu di vật, trong đó chiếm số lượng lớn là vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ và đồ kim loại. Nhiều hiện vật gốm sứ không chỉ do người Việt sản xuất mà còn được mua từ Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Á. Điều này cho thấy tại Thăng Long – Hà Nội, sự trao đổi, giao thoa văn hóa đã diễn ra trên phạm vi rộng.
Hồ cổ nằm giữa khu A và B trong khu di tích. Hồ nước lớn được đào thời Lê, lộ rõ hai bờ đông tây có chiều rộng 48 m, hướng dòng chảy theo chiều bắc nam đã phát lộ 140 m, với diện tích 6.720 m2.
Bảo vật quốc gia đầu rồng là hiện vật nguyên gốc, được tìm thấy tại Hố C7. Hiện vật được phát hiện cùng di tích nền móng kiến trúc và nhiều loại hình di vật khác có niên đại thời Lý, Trần thế kỷ 11-13. Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia gồm bộ gốm men, do các quan xưởng của triều đình nhà Lê sơ (thế kỷ 15-16) sản xuất dành riêng cho hoàng cung Thăng Long. Tất cả hiện vật được phát lộ trong các hố khai quật trong khu di tích. Các hiện vật nằm trong lớp đào có địa tầng ổn định, hoàn toàn không có sự xáo trộn, vì vậy độ chính xác cao. Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia súng thần công được phát hiện năm 2003 tại vị trí lớp 10, hố A9. Các tư liệu hình ảnh khai quật cho thấy, súng này xuất lộ trong lớp địa tầng bùn đen được hình thành bởi quá trình bồi lắng của lòng ao hồ, địa tầng ổn định hoàn toàn, không có xáo trộn. Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long