Sống dựa vào rừng quốc gia U Minh Hạ, nhiều người dân địa phương có nghề gác kèo ong và phát triển thành loại hình du lịch sinh thái, thu hút khách trải nghiệm.
Rừng quốc gia U Minh Hạ có diện tích trên 8.000 ha, với hệ sinh thái đa dạng, động thực vật phong phú, đặc biệt ong về ở quanh năm. Người dân địa phương có nghề truyền thống là gác kèo ong để khai thác mật ong rừng.
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, rộng 60 ha ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, nằm trên vùng đệm của rừng quốc gia U Minh Hạ, hoạt động từ năm 2015. Diện tích cây tràm lớn, xa khu dân cư, yên tĩnh nên khu du lịch này thu hút ong làm tổ.
Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch Mười Ngọt chia sẻ, gia đình anh làm nghề gác kèo ong và khai thác mật ong gần 20 năm. Gác kèo giống như dựng nhà cho ong ở, người thợ sẽ làm kèo gác, đón hướng ong rừng về làm tổ, chỉ khoảng nửa tháng là có thành quả. Kèo lớn, ong nhiều nên tổ ong ở đây thường có kích thước tới 1-2 mét, mỗi kèo có thể thu hút 2-3 lứa ong về xây tổ. Cơ sở của anh Khanh từng khai thác một tổ ong dài hơn 2 mét, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là tổ ong lớn nhất Việt nam vào năm 2021.
Khi phát triển mô hình du lịch cộng đồng, anh Phạm Duy Khanh đưa nghề gác kèo ong của mình vào hoạt động trải nghiệm cho du khách. Họ được tham gia gác kèo, lấy mật ong, bẫy cá, khám phá thiên nhiên. Khu rừng tràm của anh Khanh hiện có 1.000 kèo ong, trong đó khoảng 200 kèo có ong về ở.
Đến thăm khu sinh thái, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên còn hoang sơ và trải nghiệm đi lấy mật ong. Từng nhóm du khách được ngồi trên xuồng, len lỏi qua những con rạch dưới tán rừng tràm nguyên sinh và qua những cánh đồng lau sậy, trên đường du khách hách sẽ gặp những đám bìm bịp, chim chao chảo, chim ròng rọc bay liệng, ngắm những tổ chim ròng rọc lơ lửng trên những cây tràm.
Đến địa điểm lấy mật, mỗi người được choàng tấm lưới để bảo vệ mặt và cầm bùi nhùi để xông khói xua ong. Ai dũng cảm sẽ vào tổ ong lấy mật cùng với thợ gác kèo, người còn lại sẽ ngồi yên trên thuyền. Người tiếp cận tổ ong sẽ tận mắt chứng kiến cách khai thác mật ong rừng, mang ra ngoài tổ ong non và mật thơm lừng.
Sau khi lấy mật, du khách được thưởng thức ngay tại chỗ mật ong và ong non vẫn còn nằm trong kén. Vị ngọt thanh của mật ong rừng trộn với vị bùi của ong non tạo cảm giác khó quên.
Chị Hương Linh, du khách đến từ Hà Nội, lần đầu tận mắt chứng kiến quy trình lấy mật ong, khi hàng trăm con ong ùa ra vây kín xung quanh người vừa sợ, vừa phấn khích, rồi vui mừng khi nhận được thành quả là những kén ong thơm ngon.
Sau khi lấy mật ong, du khách có thể thưởng thức bữa ăn đồng quê với các món cá vừa đánh bắt, các loại rau bắp chuối, bông súng và rau đồng trồng tại khu rừng tràm. Anh Phạm Duy Khanh cho biết, cây trồng nơi đây không có hóa chất bởi loài ong rất tinh nhạy, chúng sẽ bỏ đi khi phát hiện môi trường sống không trong sạch.
Với giá trị mang lại, nghề gác kèo ong của người dân ở vùng rừng tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân làm nghề gác kèo ong để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của rừng tràm Cà Mau.
Nghề trở thành một sản phẩm du lịch của một số khu du lịch sinh thái ở Cà Mau, được đưa vào chương trình tour để phục vụ khách du lịch trải nghiệm khi về rừng quốc gia U Minh Hạ, giúp du khách hiểu hơn cuộc sống người dân địa phương.
Ngoài trải nghiệm lấy mật ong trong rừng U Minh Hạ, khi đến vùng đất Cà Mau, du khách còn có thể tham gia các hoạt động du lịch sinh thái như mò nghêu, soi Ba Khía (một loại cua), thu hoạch tôm cá, bẫy cá thòi lòi.
Tỉnh Cà Mau là mảnh đất tận cùng của tổ quốc, cách TP HCM gần 300 km. Từ TP HCM có nhiều xe giường nằm đến Cà Mau hàng ngày hoặc đi máy bay. Từ Hà Nội, du khách cũng có thể bay thẳng đến Cà Mau.