MỸRandy Williams đến 193 nước trên thế giới được Liên Hợp Quốc công nhận và lập vương quốc riêng với mong muốn tạo thành quốc gia thứ 194.
Phát thanh viên Williams sống tại San Diego, Mỹ, dành cả đời để đến thăm mọi quốc gia trên thế giới được Liên Hợp Quốc công nhận. Tháng 8/2021, anh đến thăm Cộng hòa Molossia, một “quốc gia” nằm ở bang Nevada. Sau khi về nhà, anh lên kế hoạch thành lập một “đất nước mới”, đặt tên Cộng hòa Slowjamastan.
Turkmenistan là quốc gia cuối cùng trong danh sách 193 quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận mà William ghé thăm. “Tôi tạo ra Slowjamastan vì sau khi đi hết 193 quốc gia, tôi muốn đến nước thứ 194”, William nói.
Tháng 10/2021, anh mua mảnh đất khô cằn trị giá 19.000 USD, rộng hơn 44.000 m2 ở sa mạc California, cách San Diego hai tiếng rưỡi lái xe. Hai tháng sau, vào 12h26 ngày 1/12/2021, tại “thủ đô” Dublândia, Williams mặc bộ vest đẹp nhất, đeo kính râm chính thức tuyên bố Slowjamastan độc lập, tách khỏi Mỹ.
Anh vừa làm quốc vương kiêm nguyên thủ quốc gia. “Thỉnh thoảng, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi bỏ phiếu trưng cầu dân ý để mọi người lựa chọn loại trái cây, môn thể thao quốc gia”, Williams nói.
Williams thích tạo dáng chụp ảnh, phát biểu trước công chúng trong bộ trang phục quốc vương màu xanh lá cây. Khi tổ chức các sự kiện ở Cộng hòa Slowjamastan, để tăng tính chân thực giống các nguyên thủ khác, Williams thuê mọi người đóng giả là lính canh và đội ngũ an ninh bao quanh.
Hai năm trôi qua, quốc vương Slowjamastan cũng ban hành thêm nhiều luật mới, phát hành hộ chiếu, tiền riêng, quốc kỳ và quốc ca để phát trong các dịp lễ cấp nhà nước.
Cộng hòa Slowjamastan tuyên bố có 500 công dân và 4.500 người khác đang đợi nhập tịch. Mọi người có thể đăng ký xin nhập tịch, ứng cử chức vụ trong nội các chính phủ của Cộng hòa Slowjamastan qua một trang web. Số lượng người đợi để duyệt đơn lên đến hàng nghìn.
Williams đang mời khách du lịch ghé thăm quốc gia siêu nhỏ của mình. Để mọi người dễ tìm thấy đất nước, William dựng tấm biển: “Chào mừng bạn đến Slowjamastan” cỡ lớn bên đường cao tốc. Anh cũng tự xây một trạm kiểm soát biên giới, treo cờ Slowjamastan đầy màu sắc.
Các hoạt động phổ biến nhất khi ghé thăm là chụp ảnh “sống ảo” bên tấm biển hiệu Cộng hòa Slowjamastan, thăm Quảng trường Độc lập. Kế hoạch tiếp theo của anh là gây quỹ để xây dựng dòng sông lười, một trang trại hay một bức tượng tạc chính mình.
Williams cho biết “đang nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác”. Hiện tại, hộ chiếu Slowjamastan có dấu xuất nhập cảnh của 16 quốc gia, những nơi Williams ghé thăm trong các chuyến du lịch gần đây như Nam Phi, New Zealand, Vanutu, Mỹ.
Williams nói rằng quốc gia của mình về mặt lý thuyết đáp ứng các tiêu chí trở thành một quốc gia có chủ quyền, theo định nghĩa của công ước Montevideo năm 1993. Công ước yêu cầu một quốc gia hoàn chỉnh phải có dân số thường trú, lãnh thổ xác định, chính phủ và khả năng quan hệ ngoại giao với các nước khác. Những điều kiện tiên quyết này, theo Williams “Slowjamastani đều có”. Điều tiếp theo Williams cần làm là để chính phủ Mỹ đồng ý cho quốc gia của anh ly khai, dù chuyện này được đánh giá là “xa vời”.
“Tôi hơi thất vọng khi phải thừa nhận rằng các tin nhắn tôi gửi qua email, Facebook, Twitter, Instagram cho Tổng thống Biden đều chưa được đọc. Chắc là nó bị rơi vào mục spam”, Williams nói.