Hai bờ sông Nhuệ dài 76 km từ Hà Nội đến Hà Nam bị bồi lắng với hàng trăm cống xả thải thẳng ra lòng sông đen đặc, bốc mùi hôi thối.
Sông Nhuệ là nhánh nhỏ của sông Hồng, điểm đầu từ cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối là Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Nhiệm vụ chính của dòng sông là tiêu thoát nước cho nội đô Hà Nội và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công bố năm 2020, sông Nhuệ – Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong năm lưu vực sông ở miền Bắc. Trong 185 điểm quan trắc của năm lưu vực có 15 điểm ô nhiễm, riêng sông Nhuệ – Đáy chiếm 13 điểm. Hai điểm cầu Tó (huyện Thanh Trì) và Cự Đà (huyện Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất.
Sông Nhuệ chảy qua Hà Nội dài 62 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.
Đầu nguồn là cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) được thiết kế lấy nước sông Hồng vào ở cao trình 3,77 m. Tuy nhiên, mực nước sông Hồng đoạn này thấp hơn khả năng lấy nước của cống nên có lần nước từ sông Nhuệ xả ngược lại sông Hồng.
Một phần lòng sông bồi lắng, dưới chân cầu tích tụ lượng rác thải lớn đoạn chảy qua phường Phúc La (quận Hà Đông).
Đoạn chảy qua phường này cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch, nước bị ô nhiễm do hứng nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải từ các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống trong khu vực. Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch (điểm Cự Đà), nước sông Nhuệ tiếp tục ô nhiễm nặng. Các thông số hữu cơ (BOD5, COD, N-NH4…) đều vượt ngưỡng quy định.
Đoạn sông chảy qua thôn Thượng Phúc (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cách thượng nguồn hơn 20 km) bị bùn bồi đắp kéo dài gần 10 km. Lòng sông đen, đặc quánh vào mùa cạn và bốc mùi hôi thối.
Bờ sông ở thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai bồi lắng, cỏ cây mọc um tùm, người dân tận dụng trồng rau, nuôi gà.
Từ hàng chục năm nay, sông Nhuệ ô nhiễm nặng, nguồn nước không đủ tiêu chuẩn để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hai bên bờ, nhiều trạm bơm với đường ống nối trực tiếp ra sông, không qua hệ thống lọc. Thời điểm này đang khô cạn, cỏ, bèo mọc um tùm.\
Rác thải nổi trên mặt nước đoạn qua chùa Chúc Khê (xã Tả Thanh Oai), sáng 19/10.
Dọc hai bên bờ sông đoạn qua xã Tả Thanh Oai, tình trạng xả rác thải bừa bãi, nước chưa qua xử lý từ nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề, hộ gia đình…. khiến dòng sông ô nhiễm.
Cách sông một mặt đê khoảng 5 m, nhiều đầm nuôi thủy sản bắc ống xả thải thẳng xuống lòng sông. Thức ăn cho cá để lâu ngày nổi váng xanh vàng, bốc mùi, không thể tiêu thoát.
Xác cá chết trên đoạn sông chảy qua thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai). Từ hàng chục năm nay, sông Nhuệ hầu như chỉ có cá dọn bể, thi thoảng có cá rô phi trôi từ nội đồng ra.
Điều này trái ngược với khoảng 30 năm trước, nước sông Nhuệ trong xanh vào mùa cạn, đỏ ngầu phù sa vào mùa mưa lũ, dòng chảy lưu thoát nhanh. Cá tôm, trai, hến nhiều nên hình thành những làng chài trên sông, người từ nơi khác cũng đổ về quăng lưới đánh bắt.
Cống thủy lợi thuộc xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) ngập rác, lượng rác ứ đọng trên mặt cống kéo dài hàng chục mét cả trên bờ và dưới kênh.
Hàng ngày, ông Ky, 73 tuổi, ở xã Đại Áng, đặt lưới ở các cửa cống để bắt cá dọn bể về làm thức ăn cho cá nuôi trong đầm. “Xưa sông Nhuệ sạch, tôi còn bơi 9 km từ xã Đại Áng đến cầu Đen, quận Hà Đông”, ông Ky kể.
Người dân nghỉ ngơi bên bờ sông Nhuệ đoạn qua thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai về chiều dù nhiều ruồi muỗi.
Để từng bước làm sạch dòng sông Nhuệ, bổ sung nguồn nước tưới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mới đây đề xuất lấy nước sông Hồng cải tạo sông Nhuệ. Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư.