Những con đường thảm nhựa rộng 4-8 m, dùng đèn năng lượng mặt trời, băng qua cánh đồng ở huyện Long Điền, giúp người dân thuận lợi chăm sóc, vận chuyển lúa.
Con đường nhựa dài 2,3 km, tổng chi phí 10,3 tỷ đồng, băng qua cánh đồng lúa ở xã An Nhứt, huyện Long Điền, vừa hoàn thành trước Tết. Mặt đường rộng 5 m men theo con mương thủy lợi nối từ quốc lộ 55 sang đường trục chạy qua xã Tam Phước. Công trình nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới được đầu tư bằng ngân sách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Long Điền.
Một đoạn ở đầu tuyến đường men theo khu dân cư.
Xã An Nhứt có diện tích tự nhiên khoảng 594 ha, dân số hơn 4.100 người. Các khu dân cư của xã được bao quanh bởi cánh đồng rộng 444 ha. Hơn 75% người dân nơi đây sống bằng nghề trồng lúa.
Mặt đường được kẻ vạch, làm các gờ giảm tốc ở những khúc cua.
Đường cho phép xe tải trọng 8 tấn chạy để thu hoạch, vận chuyển lúa. Ngoài trồng cọc tiêu và biển chỉ dẫn, đường còn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời.
Con đường băng qua cống thủy lợi, có nhánh rẽ sẽ đấu nối vào một tuyến bờ kênh khác trên cánh đồng An Nhứt.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch UBND xã An Nhứt, cho biết đến nay toàn xã được đầu tư khoảng 20 km đường nội đồng, bờ kênh. Từ năm 2012 những tuyến đường nội đồng đầu tiên được đầu tư, bề rộng tính cả lề đường 8-10 m để người dân vận chuyển nông sản.
Sau này những con đường men theo bờ kênh quy mô nhỏ hơn (rộng 4-5 m) thảm nhựa. Hàng năm đường đều được duy tu, bảo dưỡng.
Cách đó chừng 300 m, một con đường rộng gần 8 m, dài hơn 3 km chạy dọc cánh đồng,
Ông Nguyễn Hồng Hoàng, người dân xã An Nhứt cho biết đã cùng mọi người hiến một phần ruộng để chính quyền đầu tư mở đường này.
“Ngày trước mỗi lần bón phân, xịt thuốc, thu hoạch phải mang vác, cuốc bộ hàng cây số mới tới ruộng. Từ khi con đường này được mở, xe, máy móc tới tận đầu bờ, tui và bà con làm ruộng khỏe re”, ông Hoàng nói.
Mương nhánh dẫn nước vào các thửa ruộng.
Theo Chủ tịch UBND An Nhứt, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 và là một trong hai địa phương ở huyện Long Điền xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Báo cáo của UBND xã An Nhứt cho biết từ năm 2010-2023, xã huy động được hơn 220 tỷ đồng từ các nguồn để xây dựng hạ tầng, giao thông ở địa bàn.
Người dân bứt “lúa ma” trên thửa ruộng. Ruộng lúa ở địa phương này mỗi năm gieo cấy 3 vụ, năng suất bình quân 6,5-7 tấn/ha
Ông Lê Văn Lem, 71 tuổi, cho biết hàng ngày ông lái xe máy chở vợ chạy trên con đường mới để thăm hơn một mẫu ruộng. “Điều tôi bất ngờ và vui nhất là con đường này được láng nhựa. Nó quá đẹp, điều chỉ thấy trên tivi giờ thành hiện thực”, ông Lem nói và dự đoán vụ lúa năm nay sẽ được mùa.
Drone được người dân thuê phun thuốc trên cánh đồng.
Theo ông Lê Văn Lem, hai năm nay việc gieo sạ và phun thuốc đều do máy bay không người lái đảm nhậm. Nhờ đó mà người làm ruộng bớt tốn công sức, chi phí đầu tư nên lợi nhuận nâng cao rõ rệt.
Tuyến mương dẫn nước ở xã An Ngãi (sát bên An Nhứt) cũng được nâng cấp sửa chữa, thảm nhựa.
Toàn huyện Long Điền đã kiên cố hóa hơn 113 km kênh mương nội đồng để dẫn nước từ hồ Đá Bàng (nằm ở huyện Châu Đức và Đất Đỏ) về phục phụ tưới tiêu cho hơn 5.147 ha, trong đó có 1.200 ha lúa tập trung ở các xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước và thị trấn Long Điền.