Cặp rồng dài khoảng 120 m ở cổng chào đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1, đã hoàn thành hơn 90%, mang dáng vẻ uy nghi.
Sáng 31/1 (21 tháng Chạp), sau hơn một tuần thi công, cặp rồng ở cổng chào đường hoa Nguyễn Huệ trên phố đi bộ dần lộ diện. Ông Văn Tòng, chủ xưởng thi công cặp rồng cho biết, hai linh vật Tết Giáp Thìn 2024 đến nay đã cơ bản ra hình hài, đạt tiến độ hơn 90%.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp, xưởng của ông Tòng tham gia sản xuất linh vật đường hoa. “Khoảng ngày mai là hoàn thành cơ bản, chỉ còn trau chuốt lại vài chi tiết”, chủ xưởng cho biết.
Theo ông Tòng, linh vật ở cổng chào không còn là hình ảnh gia đình sum vầy như mọi năm. Đôi rồng mang tên gọi Lưỡng Long triều liên với nhiều màu sắc, phần thân uốn lượn đan xen nhau, đối xứng trên đường hoa, tạo điểm nhấn cho khách đến tham quan, vui chơi.
Mỗi con rồng dài khoảng 120 m, lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ. “Vì kích thước lớn nên chỉ một số công đoạn như làm vảy, tạo khung là làm ở xưởng. Hạng mục còn lại đều phải thi công trên đường, vật liệu cũng được sản xuất tại chỗ”, ông Tòng cho biết.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Hai đầu ở cổng chào, đoạn đối diện UBND TP HCM đã ra hình hài, dáng vẻ uy nghi, kích thước vòng đầu khoảng 2 m, cao hơn 3 m so với mặt đất. Đây là công đoạn khó nhất khi thi công vì quyết định thần thái của rồng. Thời gian tới, đơn vị thi công sẽ gắn ngọc vào miệng linh vật.
Theo nhà thiết kế, linh vật rồng là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Lý, Trần, Nguyễn, thể hiện ở các dáng vẻ đầu luôn hướng lên, mũi to, chóp mũi tròn, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm to ở má và trên đầu. Thân uốn lượn hình sin theo hướng bay lên là đặc điểm thường thấy trong hình ảnh rồng thời Lý và Trần, hình dáng đuôi xòe như ngọn lửa là đặc điểm của rồng thời Nguyễn.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Phần cổ rồng chưa lợp xong vảy, lộ bộ khung bằng sắt thép. Bên trong có lắp giàn âm thanh phát ra tiếng động, ở cổ gắn hệ thống bánh răng giúp đầu rồng có thể lắc lư chào khách tham quan đường hoa.
Phần đuôi hai con rồng cơ bản hoàn thiện, ở phần nằm sát mặt đất đang được lợp những lớp vảy cuối cùng. Rồng có ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Mỗi đuôi rồng có một hình hài khác nhau với những đường cong mềm mại. Các vảy rồng được tạo hình thân thiện với môi trường, khi hơn 90% chất liệu là mây tre và mành quạt nan.
Mỗi linh vật có 5 đoạn thân uốn lượn, đan xen dọc hai bên đường hoa, cao trung bình 10 m. Theo đơn vị thi công, hai con rồng phải lợp khoảng 6.000 vảy.
Phần móng rồng đang chờ lắp đặt trong thời gian tới.
Công nhân trèo giàn giáo cao khoảng 10 m để lắp ráp các chi tiết rồng. Có khoảng 100 người thi công cặp rồng ở cổng chào, làm từ sáng tới đêm để kịp tiến độ.
“Đây là năm thứ hai tôi tham gia thi công đường hoa. Linh vật năm nay quá hoành tráng, hai con rồng có biểu cảm, dáng vẻ uy nghi”, ông Nguyễn Chánh Tâm, 50 tuổi cho biết.
Đường hoa lấy chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy, là năm thứ 21 được tổ chức dịp Tết tại trung tâm TP HCM.
Đường hoa sẽ phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19h ngày 7/2/2024 (28 tháng Chạp) đến 21h ngày 14/2/2024 (mùng 5 Tết).