Hà TĩnhTháng 5 âm lịch hàng năm, người dân đổ ra Đầm Vực ở huyện Nghi Xuân tham dự lễ hội đánh cá Đồng Hoa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Từ 6h ngày 29/6, hơn 300 người gồm đàn ông, phụ nữ, thanh niên, trẻ em, mang nơm và bì tải, xô nước… đến Đầm Vực ở thôn Nam Viên, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân tham gia bắt cá. Sau khi các bậc cao niên trong làng Nam Viên và cán bộ xã dâng hương, hoa quả cúng tế Thành Hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh Đầm Vực, hội đánh cá Đồng Hoa bắt đầu. Tiếng trống lớn vang lên, dòng người từ trên bờ rảo bước nhanh xuống đầm, tiếng cười nói rôm rả cả một vùng.
Đầm Vực hay Vực Rào là một lạch nước sâu, trải dài theo chân núi Vực, diện tích khoảng 30 ha. Vực có dòng nước trong mát, nhiều hang, đầm lầy, là nơi trú ngụ của các loài cá nước ngọt như chép, lóc, trê, ngạo. Ngoài ra, hàng năm nguồn cá từ các khe Nhà Nương, Tràng Vưng, Bàu Chăm… ở trong huyện Nghi Xuân cũng theo dòng nước đổ về Đầm Vực.
Theo tư liệu lịch sử xã Xuân Viên, để bảo vệ nguồn thủy sản ở Đầm Vực, đầu thế kỷ 18, thời hậu Lê, Hào trưởng Đậu Danh Khiêm (con Đức đại vương Đậu Danh Phương), đỗ Tam trường thời vua Lê Trung Hưng nhưng không theo con đường khoa bảng, về làm Xã trưởng xây dựng quê hương Xuân Viên. Ông Khiêm đã thảo hương ước quản lý làng xã với 5 điều khuyên và 10 điều cấm kỵ, trong đó có “cấm bắt trộm cá Đầm Vực”.
Nhằm thắt chặt tình đoàn kết của người dân trong vùng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xã trưởng đề xướng tổ chức lễ đánh cá Đồng Hoa tại Đầm Vực, hàng năm chọn một ngày vào dịp trung tuần tháng 5 âm lịch khi mùa màng kết thúc để khai hội. Đánh cá xong, mọi nhà làm lễ cúng cơm mới, trong mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên luôn có những con cá vừa bắt được ở Đầm Vực.
Ông Phan Tiến Thành, Phó chủ tịch xã Xuân Viên, cho biết trải qua nhiều biến đổi lịch sử, lễ hội đánh cá Đồng Hoa luôn được duy trì. Xưa kia lễ hội được tổ chức trang nghiêm, chính quyền địa phương dựng đàn dâng lễ vật cúng các vị thần linh, bậc tiền nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau lễ cúng, một vị bô lão trong vùng đánh ba hồi trống và phát lệnh khai hội bằng một tiếng hú cùng với tiếng tù và nổi lên. Sau năm 1945, chủ tịch xã là người trực tiếp đánh trống và truyền lệnh khai hội.
Theo ông Thành, ban tổ chức lễ hội luôn có quy định đàn ông cầm nơm đi trước, phụ nữ mang rớ vó đi theo sau, ai bắt được con cá lớn thì hô lớn để mọi người xung quanh cùng biết hưởng ứng. “Dù đi công tác, làm ăn xa trên mọi miền đất nước, đến ngày tổ chức lễ hội bắt cá, nhiều người vẫn sắp xếp trở về tham gia để ôn lại ký ức, duy trì nét văn hóa độc đáo của quê hương”, ông Thành nói.
Lễ hội năm nay, ngoài dân địa phương, người ở các xã trong và ngoài huyện Nghi Xuân cũng mang theo ngư cụ đến tham gia. Nhiều thợ ảnh mang theo thiết bị hiện đại đổ về Đầm Vực để lưu lại những khoảnh khắc vui tươi của người dân.
“Những lần trước tôi bắt được 4 kg, toàn cá chép và lóc nặng từ một kg trở lên. Năm nay số lượng giảm hẳn, trong gần 3 tiếng chỉ nơm được hơn 2 kg, chủ yếu là cá mái, rô phi loại nhỏ”, ông Lê Hữu Tân, 54 tuổi, trú xã Xuân Viên cho hay.
Hơn 8h30, khi trời nắng gắt, dòng người gom ngư cụ lên bờ, dần tản khỏi Đầm Vực. Trung bình mỗi người bắt được khoảng 3 kg cá, ít thì 0,5 kg. Nhiều người mặt mũi lấm lem bùn đất, quần áo ướt nhẹm không bắt được con nào nhưng vẫn tỏ ra vui vẻ. “Tôi phấn khởi vì được trải nghiệm dầm mình dưới nước và có thêm một số người bạn mới khi dự lễ hội”, anh Trần Thỏa, đến từ TP Hà Tĩnh nói.