Vì sao Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ?

Hà Nội tồn tại nhiều ngõ sâu hun hút, chằng chịt như địa đạo là do dân số tăng nhanh và không đủ nguồn lực để quy hoạch, giải tỏa dân cư mở rộng đường.

Trong quá khứ, những con ngõ nhỏ sâu hun hút chỉ tập trung ở 4 quận trung tâm Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, khoảng 20-30 năm trở lại đây, tình trạng này đã xuất hiện ở 8 quận còn lại và cả huyện ven đô như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, gây trở ngại lớn cho công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Minh chứng cho nguy cơ tiềm ẩn từ các con ngõ nhỏ là những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây. Hỏa hoạn tại hai ngôi nhà trong ngõ phố Trung Kính, quận Cầu Giấy rạng sáng ngày 24/5 khiến 14 người thiệt mạng và 6 người bị thương. 9 tháng trước, vụ cháy chung cư mini cao 10 tầng nằm sâu trong ngõ phố Khương Hạ, phường Khương Đình đã cướp đi 56 sinh mạng, làm 37 người khác bị thương.

Ngõ ngách nhỏ bắt nguồn từ không gian làng xã

Hà Nội trước đây chỉ có 4 quận lõi, sau các huyện dần chia tách, thành lập thêm 8 quận mới. Đơn cử huyện Từ Liêm cũ được tách thành một phần quận Tây Hồ (năm 1995), Cầu Giấy (1996), Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (2014). Hàng loạt làng xã nông thôn trở thành phố phường, như làng Hòa Mục thành một phần của phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), làng bún Phú Đô thành phường Phú Đô (Nam Từ Liêm), làng Phú Diễn thành phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm)…

Tại các làng xưa kia, nhà dân thưa thớt, hầu như nhà nào cũng có vườn, một số có ao nên không gian thoáng đãng và ít bị mưa ngập. Đường sá trong làng phần lớn nhỏ vì chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của khoảng vài nghìn. Cư dân chủ yếu là làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ.

Sau 20-30 năm đô thị hóa, các ngôi làng biến thành phố phường, dân đông gấp cả chục lần. Như phường Phú Diễn (sáp nhập từ làng Phú Diễn và một phần thị trấn Cầu Diễn) khi thành lập năm 2013 dân số là 27.060, đến 2022 lên 42.880. Cư dân nhường đất cho các dự án đô thị, chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp.

Đất trong làng được chia nhỏ cho con cái và bán cho người nơi khác đến, nhiều người xây nhà cho thuê. Các ngôi nhà vì thế nhỏ dần (thấp nhất là 30 m2 theo quy định của thành phố) và cao dần để tăng diện tích sử dụng. Đường sá trong làng vốn đã nhỏ, nay thêm chật chội do mật độ phương tiện lớn, xuất hiện các ngõ chỉ rộng 1-1,5 m, quanh co, gấp khúc do người dân tự tạo.

Một ngôi nhà cho thuê ở phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy có ngõ sâu hút. Ảnh: Phạm Chiểu

Một ngôi nhà cho thuê ở phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy có ngõ sâu hút, bề rộng chỉ hơn một mét. Ảnh: Phạm Chiểu

Đất chật người đông, nhiều người còn chiếm dụng ngõ phố, lấn khoảng không làm nhà. Sống gần ngôi nhà trọ bị cháy ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, bà Trần Thị Mai, 67 tuổi, cho biết ngày trước các ngõ đều thoáng, xe tải vài tấn vẫn đi vào sâu được. “Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, các hộ dân sửa nhà hoặc xây mới đã lấn chiếm không kiểm soát”, bà Mai nói.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho rằng trong quá trình phát triển từ làng lên phố, đáng lẽ thành phố phải quản lý dân cư và đô thị theo quy hoạch chung để cư dân có môi trường sống tốt hơn. Song thực tế mật độ dân cư ngày càng đông, ngõ ngách chật chội, quá tải.

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, hẻm sâu từ 200 m trở lên và trên 2.300 cơ sở, khu dân cư nằm trong hẻm nhỏ, sâu 200 m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Khoảng 90% con hẻm, ngõ rộng chưa tới 4 m, phổ biến là 2-3 m.

Thiếu kinh phí mở rộng ngõ phố

Một nguyên lãnh đạo của Hà Nội cho rằng do đất ở của người dân đã được cấp sổ đỏ, sinh sống ổn định nên thành phố không thể phá dỡ để làm đường ngõ to mà chỉ yêu cầu xây dựng nhà có khoảng lùi, không được lấn chiếm lối đi chung. Tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện yêu cầu này còn lỏng lẻo, đa số nhà trong ngõ xây hết diện tích sổ đỏ, tường nhà là mép ngõ.

Để giãn dân khu dân cư đã ở ổn định và mở rộng ngõ phố lên tối thiểu 4 m thì trước mắt cần có quy hoạch chi tiết 1/500, sau đó là giải tỏa để mở đường. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có kinh phí để lập quy hoạch chi tiết cũng như giải tỏa, đền bù cho người dân. Hiện Hà Nội mới quy hoạch 1/500 tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Những nơi này đều có chỉ giới đường đỏ, quy định chủ đầu tư xây dựng đường nội bộ tối thiểu rộng 4 m.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam, cũng cho rằng người dân sở hữu đất ở hợp pháp nên nếu thành phố muốn mở rộng các ngõ thì cần thu hồi đất, đền bù hoặc di dời dân đến nơi ở mới. Song Hà Nội không có kinh phí để đền bù, giải tỏa các ngõ nhỏ, chỉ tập trung mở các đường lớn. Dẫn chứng là đề án giãn dân phố cổ ở Hà Nội qua rất nhiều năm không thực hiện được do thiếu kinh phí, khu tái định cư.

Con ngõ dẫn vào ngôi nhà bị cháy ở phố Trung Kính chỉ rộng khoảng 2 m, lại thường xuyên được tận dụng làm nơi để xe. Ảnh: Xe điện Kim Hùng/Facebook

Con ngõ dẫn vào ngôi nhà bị cháy ở phố Trung Kính chỉ rộng khoảng 2 m, lại thường xuyên được tận dụng làm nơi để xe. Ảnh: Xe điện Kim Hùng/Facebook

Chưa có quy định chiều rộng ngõ

Hiện tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị không đề cập chiều rộng ngõ phố. Theo Bộ Xây dựng, việc này do địa phương xây dựng theo quy chế kiến trúc của từng nơi. TP Hà Nội đến nay chưa ban hành quy định chiều rộng cho ngõ phố mà chỉ đề cập việc tách thửa đất phải đảm bảo độ rộng cho ngõ mới hình thành.

Cụ thể, theo Quyết định 20/2017 về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa, hộ dân khi chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi sử dụng riêng thì ngõ phải có mặt cắt ngang từ 2 m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các xã và từ một mét trở lên đối với thửa đất thuộc các phường, thị trấn và xã giáp ranh.

Các chuyên gia cho rằng quy định trên chỉ là giải pháp tình thế, dựa trên tính toán về hiện trạng đất ở đô thị, mật độ dân cư. Khi Luật phòng cháy chữa cháy ra đời năm 2021 với nhiều quy định như đường phục vụ cho xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phải rộng tối thiểu 3,5 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 4,5 m, thì Hà Nội cần thay đổi quy định, tăng chiều rộng ngõ lên tối thiểu 3-4 m. Các ngõ phố có mật độ dân cư đông thì càng phải rộng để tránh quá tải, ùn tắc.

Hiện UBND TP Hà Nội đã xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 20/2017. Nếu chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi thì ngõ phải có mặt cắt ngang từ 3 m trở lên đối với thửa đất thuộc xã; từ 2 m trở lên đối với đất phường (thuộc thị xã Sơn Tây và quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ); từ một mét trở lên với các phường ở 4 quận lõi.

Nếu quy định này được HĐND thành phố thông qua, nhiều ngõ ngách ở các quận sắp thành lập sẽ rộng hơn so với hiện nay.

Tin liên quan