Sau ba năm, trạm cứu hộ 10.000 m2 của anh Trần Minh Quang ở huyện Thanh Oai thành “mái ấm” của hơn 800 con chó bị bỏ rơi, đi lạc.
Anh Quang, 43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bắt đầu nhận nuôi chó, mèo vô chủ về nhà chăm sóc từ năm 2012.
Số lượng động vật ngày một tăng nên năm 2021, anh lập nhóm cứu hộ “Sân nhà nhiều chó”. Những chú chó được nhận về trại của anh chủ yếu bị bỏ rơi, bạo hành hoặc bị bán vào lò mổ.
Trước đây trạm cứu hộ đặt tại huyện Thanh Trì, nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân xung quanh nên phải chuyển đi.
Đầu năm 2023, anh Quang thuê lại trang trại rộng khoảng 10.000 m2 ở thôn Trình Xá, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai làm nơi chăm sóc, nuôi dưỡng chó, mèo sau khi được giải cứu.
Thời điểm đó số lượng chó mèo ở trạm cứu hộ chỉ khoảng 300 con. Đến tháng 11/2024, số chó đã là hơn 800, trong đó 200 con đi lạc, bị bỏ rơi được nhận về sau bão Yagi.
Cuối tháng 11, khi không khí lạnh về anh Quang và thành viên trong nhóm mặc áo ấm cho đàn chó. Đây là những món quà được mạnh thường quân gửi tặng.
Để đảm bảo cuộc sống cho vật nuôi, trạm cứu hộ của anh Quang tuyển dụng 12 nhân viên chăm sóc và ba bác sĩ thú y.
Chi phí để nuôi dưỡng, chăm sóc cho đàn chó mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng, dựa vào nguồn quyên góp của các mạnh thường quân, doanh nghiệp làm trong lĩnh vực thú y và trích từ lợi nhuận kinh doanh của anh Quang.
Trạm còn nhận được hỗ trợ của các phòng khám thú y trên địa bàn thành phố.
Những chú chó được giải cứu thường mang nhiều bệnh tật hoặc bị thương nên các nhân viên thú y tại trạm phải liên tục kiểm tra, thăm khám kịp thời.
Rot, chú chó bị bỏ rơi vì liệt, cơ thể mang nhiều thương tật được anh Quang và các thành viên trong nhóm cứu hộ, đưa về điều trị. Sau nhiều tháng chăm sóc, chú chó đã bắt đầu đi lại được.
Nhân viên thú y đang truyền máu cho một chú chó con bị bệnh.
Vật nuôi tại trạm được duy trì chế độ ăn xen kẽ, một ngày ăn hạt, một ngày ăn cháo thịt xay với rau củ để đảm bảo dinh dưỡng. Những chú chó được tiêm phòng và có kế hoạch triệt sản.
Từ một vài chuồng ban đầu, trạm cứu hộ của anh Quang hiện có 4 khu nuôi nhốt với hàng trăm chuồng và một sân vườn để thú cưng vui chơi.
Để có đủ chỗ thăm khám cho chó mèo bị bệnh, các tổ chức bảo vệ động vật, trường học cũng hỗ trợ trạm cứu hộ xây khu nhà tạm cùng máy móc điều trị.
Trạm có hơn 800 chú chó nhưng anh Quang và các thành viên đều nắm rõ tính cách, sở thích cho đến sức khỏe của từng con vật. Khi phát hiện triệu chứng lạ, nhóm sẽ lấy máu và đưa ra phác đồ điều trị tại trạm hoặc chuyển đến các phòng khám thú y.
Ngày 23-24/11 vừa qua, trạm cứu hộ Sân vườn nhiều chó của anh Quang cùng Cela Paw tổ chức sự kiện triển lãm cứu trợ thú cưng đầu tiên với hy vọng thay đổi nhận thức của mọi người trong việc chăm sóc vật nuôi, loại bỏ các trường hợp nuôi để giết thịt hoặc bỏ rơi khi thấy không còn giá trị sử dụng. Đặc biệt là chó ta thường ít có cơ hội được nhận nuôi hơn bởi đặc tính một chủ hoặc từng bị tổn thương tâm lý khó chữa lành.
“Chỉ khi nhận thức thay đổi, tình trạng chó bị bán vào lò mổ, bỏ rơi hay bạo hành sẽ không còn, trạm cứu hộ cũng không lo bị quá tải như hiện nay”, anh Quang nói.
Trong thời gian tới, trạm cứu hộ cho biết sẽ chuyển địa điểm đến một trang trại rộng hơn, với cơ sở đầy đủ tiện nghi cho vật nuôi tại huyện Quốc Oai.
Không chỉ là nơi chăm sóc, cứu hộ, trạm mong muốn khu vực này sẽ trở thành điểm đến của những người yêu vật nuôi, muốn tìm hiểu câu chuyện sau những cuộc giải cứu.