(Cuộc sống) Dù chuẩn bị kỹ phương tiện, ở Đà Nẵng trời bất ngờ mưa nên không quan sát được nguyệt thực. Hà Nội và TPHCM hủy lịch vì thời tiết xấu.
22h ngày 27/7, Câu lạc bộ thiên văn học Đà Nẵng đã lựa chọn xã Bình Đào (Thăng Bình, Quảng Nam) lắp đặt thiết bị sẵn sàng cho việc quan sát nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ. Đây là điểm được đánh giá là thuận lợi nhất cho việc quan sát nguyệt thực.
Đây là kính thiên văn tổ hợp Celestron Nextstar 5SE với đường kính vật kính 125mm, chiều dài tiêu cự 1.250mm giúp người quan sát như đang tận mắt nhìn ra ngoài vũ trụ. Bạn Phan Thiện Tâm, thành viên câu lạc bộ đang điều chỉnh kính.
Còn đây là kính phản xạ D114f900 do các thành viên Câu lạc bộ tự chế đang được bạn Trần Công Viện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng dùng để quan sát bầu trời.
Gần 20 thành viên của Câu lạc bộ rất háo hức đón chờ sự kiện được cho là “không thể bỏ lỡ” trong năm 2018.
Chia sẻ với VnExpress, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng cho biết, ở thời điểm 23h ngày 27/7 khu vực Đà Nẵng quang mây nên có thể quan sát được Mặt Trăng và sao Hỏa. Viện kỳ vọng có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần.
Lều trại và thiết bị đã sẵn sàng nhưng đến 1h30 ngày 28/7 bầu trời xuất hiện nhiều mây và mưa ngay sau đó nên không có cơ hội để giới yêu thiên văn chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú.
Theo lịch thiên văn, nguyệt thực kéo dài từ 00h14 đến 6h28 ngày 28/7, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h30 đến 4h13. (Trong ảnh là hình ảnh nguyệt thực được ghi nhận ở Anh lúc 2h30 ngày 28/7).