(Khám phá) Khi nghĩ về hoa cúc, bạn nghĩ đến hình ảnh nào? Hẳn là những bông hoa nhỏ xòe cánh tròn màu trắng, ở giữa nhụy vàng, bé nhỏ, xinh xinh… đang đốn tim rất nhiều người yêu hoa những ngày này?
Hoa cúc không kiêu xa, quý hiếm mà bình dị, khiêm nhường, nó xuất hiện ở khắp các châu lục, từ Châu Á, tới Châu Âu, sang Châu Phi, Châu Mỹ…
Ý nghĩa của hoa cúc
Có rất nhiều ý nghĩa đẹp gắn liền với loài hoa này bởi thực ra có nhiều loài cúc, tuy vậy, những ý nghĩa phổ biến rộng rãi nhất của hoa cúc có thể liệt kê ra gồm…
Hoa cúc – “đôi mắt của ngày mới”
Trong tiếng Anh, từ để chỉ hoa cúc là “daisy”, nhiều nhà ngôn ngữ học tin rằng “daisy” là cách biến âm của từ “day’s eye” (đôi mắt của ngày mới), bởi hoa cúc chỉ mở cánh trong ánh sáng ban ngày.
Trong ngôn ngữ tiếng Anh cổ hồi đầu thế kỷ 19, “daisy” còn là từ lóng để chỉ thứ gì đó có đẳng cấp thượng hạng, từ này đã từng xuất hiện trong nhiều cuốn sách in thời bấy giờ. Về sau, qua nhiều thế hệ, người ta không dùng từ “daisy” nữa mà chuyển sang “doozy”.
Những biểu tượng gắn với hoa cúc
Hoa cúc thường biểu trưng cho ánh sáng, từ ánh sáng ngôi sao với những bông cúc nhỏ, tới ánh sáng mặt trời với những bông cúc vàng đại đóa.
Ngoài ra, những bông cúc tím thường biểu trưng cho lời tạm biệt, để dành tặng người thân yêu trước khi lên đường đi xa.
Những bông tiểu cúc tượng trưng cho sự ngây thơ trong sáng, thường như một biểu tượng gợi nhắc về tuổi thơ hay tình yêu của người mẹ dành cho con thơ.
Thông điệp của hoa cúc
Thông điệp của hoa cúc gửi đến trong đời sống thường là niềm hy vọng và sự tươi mới. Khi một người gửi tặng những bông cúc, người ta hy vọng người nhận sẽ tích cực, lạc quan hơn, sẽ nuôi dưỡng niềm hy vọng và có thể nhìn ngắm thế giới này một cách sáng trong, thuần khiết hơn như khi còn ở thuở ấu thơ.
Hoa cúc trong văn hóa Á Đông
Hoa cúc trong văn hóa Á Đông tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào. Trong phong thủy, hoa cúc cắm trong nhà đem lại cho gia chủ cuộc sống bình an, cân bằng.
Người Á Đông thường thích “bộ tứ” và cúc xuất hiện trong bộ tứ “tùng, cúc, trúc, mai” hay “mai, lan, cúc, trúc”. Đặc biệt, “mai, lan, cúc, trúc” được xem là “tứ quân tử”, biểu trưng cho những tính cách cao nhã. Mai chịu đựng lạnh lẽo. Lan kiều diễm mảnh mai, hương thơm thâm trầm. Trúc ngay thẳng, đầy tiết tháo. Cúc trải sương giá mà chẳng héo hon. Thế nên bộ tứ này được gọi là “tứ quân tử”.
Người xưa yêu hoa cúc còn vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (lá không rụng khỏi cành, hoa không lìa khỏi thân), dù hoa đã đến độ héo rũ tàn khô, nhưng thường cả lá và hoa vẫn bám lấy cành như người quân tử giữ gìn tiết tháo, đầy chí khí. Hoa cúc tàn nhưng không rụng lìa, nó chỉ gục rũ trên thân mình chính nó.
Ngoài ra, đặc điểm của hoa cúc là nở muộn trong năm, thường nở đẹp khi tiết trời đã trở lạnh. Khi nhiều loài hoa khác bắt đầu bước vào thời kỳ tàn úa, thì hoa cúc bắt đầu nở đẹp, trở thành loài hoa khoe sắc “độc diễn” giữa lúc tiết trời khắc nghiệt. Điều này càng khiến cúc được gắn cho nhiều ý nghĩa đẹp đẽ, được ví như khí chất của người quân tử trong văn hóa Á Đông.