(Nhiếp ảnh Hà Nội) Thưởng thức, đánh giá, nhận xét … thẩm định, trong vô vàn những hương sắc của cuộc sống con người thì thẩm định nghệ thuật là khó khăn bậc nhất. “Nói đến nghệ thuật là nói đến quy luật của tình cảm”(Lê Duẩn)
Thưởng thức rồi bình phẩm ảnh, từ những người không hiểu mấy về Nghệ thuật và nghệ thuật Nhiếp ảnh cho đến vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, ai ai cũng có “quyền” và không ai cho rằng mình kém thua ai cả…(điểm này giống các fan bóng đá). Cứ xem trong và sau những cuộc Triển lãm ảnh là dịp Phê bình miệng phát triển mạnh nhất thậm chí là dai dẳng.
Đã có rất nhiều bài viết đưa ra các “Công thức” chấm, cho điểm .v.v. lấy “chuẩn” từ các cuộc Thi Quốc Tế và tự mình nghĩ ra với kết luận: “Chỉ có công chúng là Ban Giám khảo chính xác nhất” điều nhận định trên nghe qua không sai mà còn cảm thấy chí lí nữa, ở đây phải có điều kiện là tác phẩm đã được Công chúng biết, hơn nữa trong thời điểm nào đó thì “Ban Giám khảo này” theo nhận định trên là “vô Chính phủ”, chẳng lẽ mời “mấy ông, bà công chúng” vào ngồi ghế Ban Giám khảo để chấm ảnh.
Nhưng chỉ có Thẩm định ảnh của Giám khảo là có … trao giải thưởng, là có “giá trị” hiện tại cao nhất, bởi vậy nghệ sĩ sáng tác luôn tìm hiểu gu từng thành viên Ban Giám khảo để chọn gửi ảnh và giới yêu Nhiếp ảnh trông ngóng quyết định giá trị của tác phẩm từ Ban Giám khảo. Và mặc nhiên từ trước cho tới nay Ban Giám khảo là “người định hướng” cho Sáng tác… Xét thấy tầm quan trọng về Tổ chức này cho nên ta mới phải bàn mục đích là để làm sao thẩm định chính xác hơn.
2/ Thành viên Ban Giám khảo dứt khoát là người có khả năng cảm thụ, thẩm định ảnh. Không nhất thiết dựa vào “tiêu chí” là quan chức hay tước hiệu, bởi: Ở vị trí lãnh đạo tài năng của họ là quản lý điều hành tổ chức, những vị có tước hiệu cao ở trong và ngoài nước là sự công nhận về tài năng sáng tạo của họ. Còn ở đây lại là thẩm định, nếu ai đó hội đủ: chức vụ – tước hiệu và khả năng thẩm định là “ba trong một” thì thật tuyệt vời và “lý tưởng”, nếu không thì hai hoặc một khả năng thẩm định là đủ. Bởi tài năng sáng tạo chưa hẳn sẽ đủ khả năng thẩm định được nghệ thuật của người khác, nhiều khi cái “tài năng” của mình quá lớn “che khuất” khó có thể “chấp nhận” phong cách sáng tạo khác mình.
Ở những người như trên cái TÔI lớn của cá nhân thường khó chấp nhận những phản biện trái chiều. Hiện tượng chính các vĩ nhân bị “mù” khi nhìn tác phẩm của nhau trong đời sống Văn Học-Nghệ Thuật cũng không hiếm trường hợp như thế và rất bình thường. Nên sau mỗi cuộc thi Vị Chánh chủ khảo hoặc người trong Ban Giám khảo hay Tổ chức phát biểu hoặc bài viết đánh giá về cuộc thi, lại thường “thành công tốt đẹp” mà đúng ra diễn đàn này là của các nhà Phê bình
Phải khẳng định Phê bình là công việc hết sức Khoa học, nghiêm túc, nhiệm vụ của Phê bình là Tư vấn & Phản biện, đây là mảnh đất chỉ có các nhà Phê bình “canh tác” … còn ai đó khi thưởng lãm bày tỏ chính kiến: Thích hay không thích hoặc chỉ có gật & lắc … đó chỉ là độc giả bình thường vì họ không thể mổ xẻ lý giải và chứng minh được những cảm xúc đầy tính bản năng đó và hơn hết không hề chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.
Phê bình là cầu nối giữa tác phẩm và công chúng, sẽ làm sáng tỏ những vẻ đẹp mà không dễ nhận thấy trong tác phẩm, những tư tưởng ý tưởng và thông điệp tác giả muốn gửi gắm rất cần nhà Phê bình giải mã và giới thiệu, như thế “hiệu quả” giá trị của tác phẩm sẽ được tỏa sáng thêm. “Không phải nghệ thuật sinh ra phê bình, cũng không phải phê bình sinh ra nghệ thuật, mà cả hai đều là con đẻ của tinh thần thời đại. Cả hai đều là sự nhận thức thời đại, khác nhau là ở chỗ, phê bình là nhận thức triết học, sáng tạo nghệ thuật là sự nhận thức trực tiếp”.
Cho nên, phê bình rất quan tâm tới tính chân thực của hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật Nhiếp ảnh phản ánh. Và “phê bình là khoa học khám phá những vẻ đẹp, nhược điểm của tác phẩm” Phê bình lại là khoa học về tương lai của nghệ thuật Nhiếp ảnh. Nó có nhiệm vụ phát hiện những giá trị nghệ thuật có khả năng tạo nên một bước ngoặt, mở ra một giai đoạn phát triển mới của nghệ thuật Nhiếp ảnh. Phê bình không chỉ khám phá, phát hiện mà còn kêu gọi Nghệ sĩ sáng tạo ra cái MỚI.
Phê bình Nghệ thuật Nhiếp ảnh nếu không dựa vào một hệ giá trị thẩm mỹ đã được thừa nhận, mà chủ yếu dựa vào cảm nhận chủ quan của mình, thì khó mà được sự tán đồng của tất cả mọi người. Ông chẳng bà chuộc, đó là số phận của kẻ làm dâu trăm họ. Đó là cái khó của một công việc dễ. Bởi vậy, từ xưa đến nay, có không ít những câu nói nổi tiếng về mối quan hệ giữa phê bình và sáng tác. Lắm khi nó là viên thuốc đắng cho Ban Giám khảo và người sáng tác nhưng không hề gì nếu nhà phê bình viết ra với cái TÂM trong sáng và vốn kiến thức vững vàng của mình.
Người sáng tác lẽ nào không tâm phục, khẩu phục với những bài viết như thế. Qua đó công chúng , Nghệ sĩ ít nhiều thu nhận được những điều có ích cho sự sáng tạo, thưởng lãm. Phê bình khi nó thực thi chức phận với lòng trung thực và trách nhiệm cao thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển của Nghệ thuật Nhiếp ảnh nước nhà. Ngược lại, khi nó dính vào sự vụ lợi, cánh hẩu hay cẩu thả, hời hợt sẽ làm vẩn đục dòng chảy Nghệ thuật Nhiếp ảnh, rõ ràng không có phê bình thì sẽ không có những đợt sóng tranh luận, hầu mong tìm ra được giá trị đích thực.
Nghệ sĩ thuyết phục công chúng về nội dung, hình thức trong tác phẩm mà mình giới thiệu (dự thi, triển lãm hay ra sách ảnh); người phê bình cũng thuyết phục công chúng về lý lẽ mà mình đưa ra để khẳng định hay chỉ trích một Tác phẩm hay bộ ảnh nào đó. Khó khăn tiếp theo của phê bình sách là sự đa dạng của các đề tài, kiến thức, thể loại … đòi hỏi người phê bình phải am hiểu chuyên môn, chứ không thể nhận xét, bình phẩm chỉ theo cảm tính. Người làm “nghề xem ảnh” chuyên nghiệp không thể nào bao quát hết mọi lĩnh vực rất cần có nhà Phê bình chuyên biệt. “Phê bình quần chúng” được ghi nhận thông qua những ý kiến kịp thời là cần thiết, nhưng để đánh giá toàn diện một Cuộc thi nhất thiết phải có sự đầu tư nghiên cứu, suy ngẫm, so sánh hoài nghi khi đưa ra những giả định giả thiết v.v. Những phát biểu chủ quan, thiên kiến dẫn đến quy kết vội vàng (thậm chí là rất nặng nề) là một mối nguy của đời sống Nghệ thuật Nhiếp ảnh. Làm thui chột đi những tài năng trẻ.
Tác giả bài viết: Việt Tiến – A.Vapa – Ban LL-PB HOPA