(Khám phá) Chặn một dòng suối, người dân dùng vỏ cây có vị cay đập nhỏ thả xuống, nước chảy đến đâu cá bị say nổi lên đến đó.
Mùa ít mưa, anh Ploong Bản ở xã Tr’hy (Tây Giang, Quảng Nam) cùng dân làng tìm đến những con suối cạn nước bắt cá theo cách truyền thống.
Khi đến đoạn có thể điều chỉnh được dòng nước, anh Bản (bên trái) và anh Ploong Tia dùng cây gỗ dài bắc qua suối và dùng đá giữ lại. Sau đó, họ cắm cọc, chặt lá cây và phủ tấm bạt phía trên tạo thành một thân đập, chặn ngang dòng nước.
Con suối đã ngăn xong, anh Ploong Tia lên rừng bóc vỏ cây theo tiếng gọi của người Cơ Tu là Tr’bââl hay Pachac, rạch một lối từ trên xuống tách lớp vỏ dài 1,5 m, rộng gần 40 cm.
“Loại cây này mọc trên rừng rất nhiều, thân thẳng đứng nên rất dễ bóc vỏ. Phía trong vỏ có màu vàng, chứa nhiều nước”, anh Tia nói và cho biết sau khi lấy vỏ cây sẽ cho ra lớp vỏ mới.
Họ chia vỏ cây thành từng đoạn ngắn, dùng đá giã nhỏ. Khi thả xuống nước có màu vàng, vị cay. “Nước chảy đến đâu cá bị say nổi lên, con nào ở trong hang sẽ chui ra ngoài. Đây là bài thuốc cá được cha ông truyền lại”, anh Bản nói.
Phía dưới con suối một tấm lưới được chắn qua để cá mắc vào.
Với cách làm tương tự, gia đình ông Bhling Íp, xã Lăng ngăn suối, giã vỏ cây bắt cá. Khi suối cạn, ông dùng rọ tre đặt phía dưới để cá chui vào.
Những phụ nữ trong gia đình ông Íp dùng vợt để xúc cá sau khi bị say thuốc.
Thành quả của gia đình ông Íp sau một lần ngăn suối đập vỏ cây bắt được khoảng 5 kg cá bống, cá niên… “Khi bắt xong mình tháo đập, nồng độ cay giảm xuống thì cá tỉnh lại sống bình thường. Người ăn cá cũng không bị độc”, ông Íp nói.