(Khám phá) Những vùng rừng rậm và sông ngòi ở Congo cung cấp môi trường sống lý tưởng cho các loài rắn kịch độc như hổ mang, mamba, rắn phì.
Với những khu rừng rộng lớn, nơi tập trung nhiều loài rắn độc, Cộng hòa Dân chủ Congo là điểm nóng về số ca tử vong và bị thương do rắn cắn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức phi chính phủ Bác sĩ không biên giới nhấn mạnh đây là vấn đề chưa được quan tâm ở châu Phi. Để phản ánh thực trạng, nhiếp ảnh gia Hugh Kinsella Cunningham đã chụp ảnh cận cảnh một số loài rắn độc nhất thế giới ở quốc gia châu Phi này và gửi Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer.
Ngư dân Patrick Atelo chìa ra một con rắn mamba còn sống trên sông Ruki. Con rắn được phát hiện gần một ngôi làng. Do tỷ lệ nhát cắn gây chết người, cư dân địa phương rất sợ rắn và thường giết chết chúng ngay khi nhìn thấy.
Mỗi năm 2,7 triệu người bị nhiễm nọc độc rắn, trong đó 81.000 – 137.000 ca tử vong cùng nhiều ca thương tật vĩnh viễn, theo báo cáo gần đây của WHO.
Nhiều năm chiến tranh đã tàn phá cơ sở hạ tầng ở Cộng hòa Dân chủ Congo, khiến nguồn dự trữ huyết thanh kháng độc trở nên khan hiếm hoặc không thể phân phát. Do môi trường sống của rắn độc thường ở vùng nông thôn, việc thiếu trang thiết bị chăm sóc y tế đặc biệt có thể khiến nhiều người tử vong. Rắn thường mắc vào lưới đánh cá của ngư dân trên sông Congo, do đó người dân cần kiểm tra kỹ để xem có bắt nhầm rắn hay không.
Cunnigham cũng chụp cận cảnh rắn, như con rắn hổ mang rừng rậm trên đây. “Bằng cách giữ môi trường tĩnh lặng và đứng yên trên mặt đất, tôi có thể chụp ảnh chân dung lũ rắn từ khoảng cách nửa mét”, Cunnigham chia sẻ.
Francois Nsingi, kỹ thuật viên ở Trung tâm kháng nọc độc, đảm bảo những loài rắn nguy hiểm nhất không bị căng thẳng. “Những bức ảnh chân dung ấn tượng nhất được chụp khi con rắn đang mải nghiên cứu ống kính máy ảnh”, Nsingi nói.
Joel Botsuna, trợ lý ở Viện bảo tồn tự nhiên Congo (ICCN) tại tỉnh Equateur cầm một con rắn mamba Jameson đã chết. Con rắn bị nông dân địa phương giết đêm hôm trước. Rắn mamba có độc tố thần kinh vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ sau hai tiếng bị cắn.
Con rắn hổ mang chui vào bẫy đánh cá của ngư dân Shadrack Ifomi. Ifomi đánh cá trên sông cả đời và từng bị rắn cắn vài lần nhưng đó là những loài rắn nhỏ. Làm việc ở vùng rừng thấp kéo theo nguy cơ bị rắn cắn lớn bởi các loài rắn lục và rắn hổ mang giỏi ngụy trang dễ bị quấy rầy và tấn công để tự vệ.
Rắn phì châu Phi
Rắn vảy sừng