Những người lính công binh với dao phát, xẻng, thuốn sắt rà đất, gỡ từng quả mìn còn sót lại sau ngày biên giới Việt – Trung ngưng tiếng pháo.
Gần 40 năm sau ngày biên giới ngưng tiếng pháo kích từ Trung Quốc, Hà Giang vẫn còn 77.900 ha đất ô nhiễm bom mìn, vật nổ dọc các huyện biên giới, trong đó 7.500 ha mật độ dày đặc chủ yếu ở huyện Vị Xuyên. 230 người đã chết, 395 người bị mất một phần cơ thể do bom mìn. Toàn tỉnh mới làm sạch được hơn 12.230 ha đất ô nhiễm. Các đơn vị quân đội đang tập trung rà phá khoảng 1.500 ha trong năm 2023-2024 để quy tập hài cốt liệt sĩ và làm sạch đất sản xuất.
Kho chứa vật nổ sau rà phá của Đại đội Công binh 19 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang được cắm biển đỏ cảnh báo “nguy hiểm cấm vào” đặt tại thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên. Khoảng 60% vật nổ còn khả năng sát thương đều đã được xử lý an toàn, chờ quyết định hủy nổ từ cấp có thẩm quyền.
“Lượng vật nổ hai bên từng gài đặt trên các điểm cao, vị trí chiến thuật rất lớn, nhiều chủng loại mà không có sơ đồ cụ thể. Quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ vì thế phải kết hợp chặt chẽ với rà phá bom mìn của lực lượng công binh để đảm bảo an toàn”, đại tá Lê Anh Tuấn, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang lý giải.
Là một trong sáu đơn vị tham gia rà phá, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang phụ trách làm sạch 150 ha đất ở xã Minh Tân. Hình ảnh ghi lại hồi tháng 6/2023 khi Đại đội Công binh 19 thuộc đơn vị này dò mìn ở Hoàng Lì Pả, thôn giáp biên có 60 hộ người Mông sinh sống.
Từ tháng 4 đến 10 trời trong, không có sương mù, thuận lợi cho bộ đội rà phá. Đầu mùa hè, công binh thường rời lán trại lúc 6h, tranh thủ mát mẻ để làm việc bởi đến trưa vùng núi đá này nóng 38-39 độ C. Những ngày đi làm xa, các anh nuôi nấu cơm rồi gánh từ lán trại lên cho bộ đội ăn trưa, nghỉ ngơi để làm việc tiếp buổi chiều.
Địa hình rà phá chủ yếu là núi cao, khe sâu giáp biên. Trước khi phát dọn mặt bằng, bộ đội kiểm tra dây vướng nổ, bẫy mìn. Việc phát dọn làm thủ công bằng dao, xẻng, thuốn sắt, mục tiêu tạo được lối vào và hành lang an toàn trong khu vực rà phá.
Lối vào bãi mìn rộng tối thiểu 2 m cho người và 4 m cho phương tiện cơ giới. Cây cỏ sau phát dọn cao không quá 5 cm, cây to khi chặt phải giữ chắc tay, không để thân cây cắm xuống đất vì có thể kích bom mìn phát nổ.
Đôi bàn tay đầy vết chai sần của binh nhất Sấn Văn Trung ở tổ tiên phong phát dọn mặt bằng sau 8 tháng làm nhiệm vụ. Trung cho biết khi dùng dao phát, kéo cắt cây luôn phải lia theo chiều ngang hoặc song song mặt cỏ, không bổ thẳng xuống đất để tránh chọc vào nắp mìn.
Khi phát hiện tín hiệu vật nổ, công binh cắm cờ đỏ đánh dấu, xử lý xong mới được dò tìm tiếp. Các sĩ quan được đào tạo bài bản luôn đảm nhiệm khâu vô hiệu hóa vật nổ. Đại tá Lê Anh Tuấn cho hay cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ này đều được chọn lựa kỹ lưỡng, huấn luyện bài bản, thành thạo các bước và tuyệt đối tuân thủ quy tắc an toàn.
Công binh không được mang các vật nhiễm từ như điện thoại, đồng hồ, chìa khóa làm ảnh hưởng tới thiết bị dò tìm tín hiệu; không được phép làm ẩu, làm tắt các bước rà phá đã được phê duyệt.
Vật nổ sau khi xử lý được tập trung về kho của đại đội. Các loại mìn thường gặp là 652A, 652B, MN79, K58, K-69, PPM2… Thông dụng nhất là mìn 652A do Trung Quốc sản xuất, quả nhỏ màu xanh lẫn với lá cây rừng nên khó phát hiện. Gặp lực khoảng 5-7 kg đè lên, mìn giải phóng kim hỏa gây nổ, sát thương người trong bán kính một mét.
Cách kho chứa vật nổ khoảng 500 m là lán của Đại đội Công binh 19 được dựng từ tre vầu, lợp mái cọ, căng bạt, với khoảng 100 quân nhân đang làm nhiệm vụ.
Từ tháng 12 đến 3 năm sau, nhiệt độ xuống thấp, sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, tiến độ rà phá chậm hơn. Quy định về an toàn trong khảo sát, thi công rà phá bom mìn, nêu rõ: Không làm nhiệm vụ rà phá trong điều kiện mưa, bão, sấm, sét, nóng trên 40 độ C, lạnh dưới 10 độ C và trời tối. Các trường hợp đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Lúc rảnh rỗi, chiến sĩ sắp xếp lại dụng cụ gồm xẻng, thuốn sắt, dao phát… Sau mỗi đợt mưa bão, gió lớn hoặc ngừng thi công nhiều ngày, đơn vị phải kiểm tra lại điều kiện an toàn, dụng cụ trước khi làm tiếp.
Mũ bảo hộ có kính che, giày quân dụng được xếp ngay ngắn ở góc lán.
Cuối tháng 1, miền Bắc trải qua đợt rét hại, rét đậm kéo dài, nhiệt độ vùng núi còn 1-2 độ C khiến bộ đội “bó gối” dài ngày trong lán. Các chiến sĩ nghĩa vụ giải trí bằng vài ván cờ vua hoặc hít đất trong phòng.
Chờ trời tạnh mưa, Sấn Văn Trung mang chiếc gương lớn ra giữa sân lán cắt tóc cho đồng đội. Vì nhiệm vụ, lán công binh nằm xa khu dân cư, không gian sinh hoạt và làm việc của các chiến sĩ hầu như gói gọn từ đây đến bãi rà phá vật nổ.
Nhiệm vụ kéo dài hai năm, lán trại cách trung tâm xã Minh Tân gần 50 km, xa chợ phiên, bộ đội tự trồng rau nuôi gà để cung cấp một phần thực phẩm cho hàng trăm người.
Rạng sáng 17/2/1979, sau đợt tổng tấn công của hơn 600.000 quân Trung Quốc vào sáu tỉnh biên giới Việt Nam, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc không kết thúc chiều 5/3/1979 như tuyên bố rút quân của đối phương. Thực tế, chiến sự tiếp diễn khốc liệt suốt nhiều năm sau đó với các cuộc quấy nhiễu, xâm lấn dọc đường biên.
Hà Giang với 277 km đường biên giới, nhiều khu vực đã trở thành “thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí” của Trung Quốc, nhất là giai đoạn 1984-1989. Riêng Vị Xuyên, khoảng 2 triệu quả đạn pháo Trung Quốc rót xuống mảnh đất này, tập trung ở các xã Thanh Thủy, Minh Tân… với hàng nghìn trận đánh khốc liệt suốt 6 năm. Để giữ được Vị Xuyên, khoảng 4.000 bộ đội hy sinh, hàng nghìn người bị thương, theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận này. Đến nay, gần một nửa liệt sĩ vẫn chưa thể về quê mẹ.