Nước dâng cao ở cánh đồng, người dân ngoại thành Hà Nội đi bắt chuột làm thức ăn.
Sau nhiều ngày mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Kompasu và không khí lạnh tăng cường, cánh đồng ở các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Đồng Trúc, Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, mênh mông nước, nhiều người dân ra đồng bắt chuột làm mồi nhậu hoặc bán kiếm tiền.
Toàn huyện Thạch Thất có trên 5.000 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 4.000 ha.
Trên gò đất cao, nhóm thanh niên ở xã Hạ Bằng đi thành hàng ngang xua đuổi và tìm hang chuột.
“Khi nước lên, chuột ở ven cánh đồng chạy lên bờ, gò cao hơn để làm tổ và trú ngụ. Muốn bắt được chuột phải chọn những nơi cây cối um tùm ít người lui tới”, Nguyễn Văn Linh ở xã Đồng Trúc vừa đổ nước vào lỗ chuột trên gò đất giữa cánh đồng vừa chia sẻ.
Công cụ chính để bắt là giỏ bẫy, cuốc và đồ múc nước. Khi đổ nước vào hang chính và đặt bẫy ở hang thở, chuột chạy vào bẫy.
Những con chuột lọt vào bẫy được tháo bỏ đưa vào lồng đựng. Người dân thường giữ cho chuột sống khi về tới nhà.
Tháng 10 hàng năm, sau khi gặt lúa là lúc chuột béo nhất. Người dân đưa chó đi đánh hơi và truy đuổi những con chuột chạy ra khỏi hang.
Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Đồng Trúc dùng tay không vồ được con chuột to trên gò đất ngập lưng chừng cạnh đại Lộ Thăng Long. Nhiều con sống lâu năm có răng dài sắc nhọn nên khi bắt phải khéo léo để tránh bị cắn.
Chuột đồng có bộ lông nâu nhuộm đỏ, khác với chuột cống. Chúng ăn chủ yếu rễ, củ, lúa và hoa màu.
Chuột bắt về thường làm mồi nhậu, nếu nhiều có thể mang ra chợ bán. Tại huyện Thạch Thất, nhiều gia đình làm nghề bắt chuột chuyên nghiệp, giá thịt chuột tại chợ 180.000-200.000 đồng/kg.
Chuột đồng thường được chế biến thành các món hấp, nấu giả cầy, quay, rán…