Bẫy lươn ở vùng Đồng Tháp Mười

Men theo những mương nước giữa đồng, ông Trần Văn Tùng, quê huyện Cao Lãnh, đặt 80 cái trúm, hôm sau đổ được ba kg lươn bán gần 400.000 đồng.

4h, ông Tùng rời nhà đi đặt trúm ở huyện Đồng Tháp Mười, trên xe buộc một can nhựa cắt đôi để đựng lươn, bên ngoài trùm lưới, cùng mồi dụ – ruột ốc bưu vàng chuẩn bị từ chiều qua. Tới cánh đồng lúa vào vụ thu hoạch, ông vừa thu trúm vừa trò chuyện với một số nông dân ra đồng từ sáng sớm.

Mương nước tù đọng, rau muống, cỏ mọc nhiều thường có nhiều lươn. Ảnh: Ngọc Tài
Mương nước tù đọng, rau muống, cỏ mọc nhiều thường có nhiều lươn. Ảnh: Ngọc Tài

Với kinh nghiệm 30 năm trong nghề, người đàn ông U50 nhớ chính xác vị trí hôm qua đặt trúm trên con mương dài hàng km. Ông lội xuống dòng nước sâu khoảng một mét, thò tay lấy hai cái trúm đặt gần nhau. Thường các trúm được đặt dưới lớp cỏ hoặc bóng râm, những nơi lươn thích trú ngụ. Mấy chục năm làm nghề, ông chỉ nhìn cỏ là biết chỗ nào nhiều lươn.

Trúm làm bằng tre, dài 0,7 m, hình trụ tròn to cỡ bắp chân, bên ngoài trùm mũ, tạo không gian tối cho lươn ở. Gần cuối trúm có thanh tre nhỏ cài ở miệng, là nơi nhét mồi vào cũng là nơi trút lươn ra. Mỗi trúm có hai hôm tre (một loại bẫy, lươn dễ chui vào nhưng không thể ra) ở phía đầu và giữa. Mỗi hôm tre giá khoảng 40.000 đồng có thể xài hai năm.

Đặt số trúm đã thu trên bờ, ông lấy tiếp những cái khác, nằm cách nhau khoảng 2 m. Lúc xong ông quay lại, xách mỗi tay hơn chục cái, mang ra xe. Riêng những mương nước sâu hơn 1,5 m ông Tùng chỉ đặt ven bờ, dùng cỏ lấp lại. Mất hơn hai tiếng thu số bẫy đã đặt, người ông nước chảy ròng ròng, mặt cũng lấm bùn. Tập hợp trúm tại bãi đất trống, ông bắt đầu đổ lươn vào can.

Ông Tùng dành buổi sáng để đi đặt trúm lươn, thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Tài
Ông Tùng thu hoạch lươn bẫy được. Ảnh: Ngọc Tài

Số lươn mắc bẫy một mình khá ít, thường dính cùng lúc 3-4 con, kích cỡ khác nhau. Bắt một chú lươn lên tay, ông chỉ lươn đồng bụng vàng, lưng nâu sẫm, phần nhận biết là đuôi nhọn, dài không mập như lươn nuôi. Nhấc can lươn lên, ông ước chừng được ba kg, ít hơn 2-3 kg so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày ông kiếm được vài trăm nghìn đồng, hôm nào trúng có thể lên cả triệu.

Đổ lươn xong, ông thêm mồi vào trúm, đặt lại để thu vào ngày mai. Mỗi địa điểm không đặt liên lục, phải cách nhau 3-4 ngày. Do đó, ông phải thủ sẵn hơn chục điểm bẫy lươn. Nhiều năm trong nghề ông Tùng sợ nhất những khu vực có mảnh vỏ chai, vật sắt nhọn. Ngoài mang tất dày, ông còn đánh dấu những mương nước nguy hiểm để tránh. Vào nghề ông cũng tránh hiềm khích với người dân địa phương, sợ bị phá hoặc lấy mất trúm.

Trúm thường bẫy được nhiều lươn cùng một lúc. Ảnh: Ngọc Tài
Lươn chui ra từ trúm sau khi đặt. Ảnh: Ngọc Tài

Quanh năm ngâm nước, chân tay ông Tùng đều thối móng, da thường xuyên bị rôm sảy. Ông chia sẻ ai chọn nghề này ra đường dễ bị người khác xa lánh, vì số trúm lươn thường bốc mùi, ít người muốn lại gần. Được ông ngoại truyền nghề đặt trúm, ông Tùng thích cảm giác bắt được những chú lươn to. Nghề bẫy lươn vất vả song nhờ nó ông nuôi được hai con ăn học tới nơi tới chốn. Năm nay đã lớn tuổi, ông chưa có ý định nghỉ nghề.

Lươn đồng loại lớn giá 220.000 đồng một kg, loại vừa giá 150.000-170.000, loại nhỏ chỉ vài chục nghìn đồng mỗi kg. Người dân sau khi bắt hoặc mua ở chợ có thể làm các món như kho xả ớt, nấu canh chua, chiên chấm nước mắm…

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, rộng khoảng 697.000 ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An,Tiền Giang, Đồng Tháp. Trước đây, vùng đất phong phú sản vật như như cá, cua, chim, cò, rắn… Hiện nay do nhu cầu phát triển kinh tế, vùng trở thành cánh đồng trồng lúa, nuôi thuỷ sản, cây ăn trái. Các sản vật từ thiên nhiên khan hiếm dần.

Tin liên quan