Bến xe Hà Nội vắng khách sau 5 ngày thí điểm

Sau 5 ngày Hà Nội thí điểm mở 6 tuyến xe khách đi các tỉnh phía Bắc, hiện chỉ có 4 tuyến hoạt động với lượng khách thưa thớt.

Từ ngày 15/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm 6 tuyến xe khách đi các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn và TP Hải Phòng, phân bố tại các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm. Xe khách được hoạt động 5% số chuyến đã đăng ký từ trước.

Sáng 19/10, tại bến Mỹ Đình, khu vực sân đỗ chỉ có hai xe đi Cao Bằng và Hà Giang đang chờ khách. Anh Lê Văn Tiến, lái xe tuyến Cao Bằng, cho hay sau nhiều ngày chờ đợi, anh mới bốc thăm được chạy về Hà Nội với tần suất một tuần một chuyến.

“Test Covid-19 tốn kém nên ít người đi, chủ yếu khách từ Cao Bằng đi khám chữa bệnh, công việc cấp thiết. Với quy định chỉ được chở 50% số ghế, nhà xe không có lãi”, anh Tiến nói và cho hay khách từ Hà Nội về chỉ được 10 người.

Một xe đi Cao Băng tại bến xe Mỹ Đình sáng 19/10. Ảnh: Tất Định
Một xe đi Cao Băng tại bến xe Mỹ Đình sáng 19/10. Ảnh: Tất Định

Ông Đinh Xuân Trường, Trưởng bến xe Yên Nghĩa, thông tin bến có hai xe chạy tuyến Sơn La, Điện Biên với lượng khách ra vào 35-40.

Bến xe Giáp Bát chỉ có một chuyến chạy Lạng Sơn, nhưng 5 ngày qua không có nhà xe nào đăng ký. Khu vực sảnh bán vé, bãi xe đóng kín cửa. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến, cho hay chưa nhận được phản hồi về lý do xe không vào bến. “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện vận hành, nhưng không có xe vào nên phải để một nửa nhân viên tạm nghỉ để giảm chi phí”, ông Thành nói.

Tương tự, bến xe Gia Lâm được bố trí một tuyến xe đi Hải Phòng, song cũng chưa có nhà xe nào đăng ký.

Giải thích lý do không mặn mà chạy xe khách liên tỉnh, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt (chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai), cho rằng khi khôi phục hoạt động vận tải liên tỉnh là một loạt khâu bán vé, xe trung chuyển, văn phòng cũng phải hoạt động. Trong khi đó, quy định chỉ được chạy 5% số chuyến trước đây là quá ít, sẽ khiến doanh thu không đủ vận hành hệ thống.

“Hy vọng sau giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ cho phép tăng số chuyến xe, vận tải khách mới dần khôi phục”, ông Bằng nói.

Sảnh chờ tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Tất Định.
Sảnh chờ tại bến xe Mỹ Đình vắng khách ngày 19/10. Ảnh: Tất Định

Ngày 19/10, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ về tình hình vận tải khách trong giai đoạn thí điểm (13/10 đến 18/10). Hiện 48 tỉnh, thành đã khôi phục vận tải hành khách liên tỉnh, trong đó 38 địa phương tổ chức khai thác. Số tuyến xe trên cả nước đã khai thác là 588 trên 793 tuyến đăng ký, số chuyến xe chạy là 1.037 trên 1.970 chuyến đăng ký.

Đánh giá về khó khăn trong quá trính thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nhiều địa phương khó thực hiện lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine. Ví dụ Nghệ An chỉ có 41 tài xế đã tiêm đủ 2 mũi trên tổng số 700 lái xe liên tỉnh. Tâm lý hành khách còn e ngại khi đi lại bằng phương tiện công cộng và phải xét nghiệm, thậm chí phải tiêm đủ liều nếu đi từ vùng dịch.

Nhiều địa phương còn quy định xét nghiệm, cách ly đối với hành khách. Một số tỉnh thành phố thuộc vùng xanh nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và chưa cho vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động bình thường.

Bến xe Giáp Bát chưa có xe khách liên tỉnh hoạt động. Ảnh: Tất Định.
Ngày 19/10, bến xe Giáp Bát chưa có xe khách liên tỉnh hoạt động. Ảnh: Tất Định

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên việc công bố cấp độ dịch tại địa phương chưa kịp thời, dẫn đến việc tổ chức vận tải lúng túng.

Mới đây, để tạo thuận lợi cho hành khách, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định chỉ yêu cầu người ở vùng dịch cấp độ 4 hoặc khu vực phong tỏa mới phải xét nghiệm âm tính khi đi xe khách liên tỉnh. Tại địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2, phương tiện chở khách được hoạt động với tần suất bình thường. Địa bàn dịch ở cấp 3, phương tiện hoạt động không vượt quá 50% tổng số xe của đơn vị và giãn cách chỗ ngồi; không vượt 50% số chuyến với xe khách liên tỉnh.

Tin liên quan