(Khám phá) Trên cánh đồng hai xã Tân Hiệp và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) những ngày này, nhộn nhịp hàng trăm nông dân thu hoạch thuốc lào.
Dưới trời nắng như đổ lửa, hàng trăm nông dân tất bật thu hoạch thuốc lào cả ngày đêm trên các cánh đồng của huyện Hóc Môn – vựa thuốc lào lớn nhất TP HCM. Người làm thuê chủ yếu từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, được các chủ thuốc mướn hơn một tháng khi mùa vụ diễn ra.
Giữa trưa, bà Giàu (quê Kiên Giang) cặm cụi bẻ lá thuốc lào. Bà cho biết tiền công một ngày là 130.000 đồng. “Cây thuốc này cứ sau 3 tháng 10 ngày, thấy cành lá lốm đốm vàng là có thể thu hoạch được”, bà chia sẻ kinh nghiệm.
“Tôi lên Sài Gòn đã hơn 3 tháng nay để chăm sóc, thu hoạch thuốc lào. Lương hàng tháng là 6,5 triệu đồng cho các công việc hàng ngày, gồm tưới nước, làm cỏ và bốc vác”, ông Văn Tèo (53 tuổi, quê Kiên Giang) kể.
Lá thuốc được rọc phần cuống trước khi đem ủ và phơi khô. Bà Nguyễn Thị Thúy, thợ rọc thuốc cho biết công đoạn này tốn khá nhiều thời gian nên tiền công cũng nhỉnh hơn, khoảng 210.000 đồng một ngày.
“Mấy bữa nay trời nóng quá, vừa làm vừa hít mùi ngai ngái, cay cay của thuốc lào khiến người dễ mệt mỏi”, ông Nguyễn Văn Phước, ngồi dưới tán cây thuốc lào tránh nóng, tâm sự.
Lá thuốc lào được cuộn chặt và ủ trong lán trại từ một đến hai ngày cho có màu chín vàng.
“Chế biến thuốc lào khá cầu kỳ, ủ xong thì phải xắt lá thành sợi. Xắt cũng không đơn giản vì phải xắt sao cho sợi thật nhỏ, đẹp và đều. Trung bình một đêm, một người thợ có thể xắt được 300 đến 400 kg sợi với tiền công là 3.000 đồng mỗi kg”, ông Trần Văn Đức, làm nghề xắt thuốc lào hơn 40 năm, chia sẻ.
Sợi thuốc lào được phơi ngay trong đêm theo nguyên tắc “phơi sương trước, phơi nắng sau”. Để phòng trời mưa, vào ban đêm, người dân phải ở lại lều để thức canh thuốc.
“Sợi thuốc lào đạt tiêu chuẩn phải mềm, xoăn, có màu vàng và mùi thơm ngai ngái đặc trưng”, ông Văn Tài, người làm thuốc lào hơn 10 năm ở Hóc Môn cho biết.
Thuốc lào được xếp thành từng bánh trên các liếp tre để dễ dàng phơi và vận chuyển.
Sau khi thuốc được phơi suốt ba ngày ba đêm, người thợ sẽ đóng gói thành phẩm để đem đi phân phối. “Hiện giá thuốc lào dao động khoảng 400.000-500.000 đồng một kg khô. Thuốc sẽ được thương lái phân phối đến các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh khác như Bình Phước, Đồng Nai…”, ông Văn Thành, chủ vựa thuốc lào ở xã Tân Hiệp, cho biết.