Chuyến thăm khu di tích ATK Định Hóa

(Nhiếp ảnh Hà Nội)

Sáng 29/3/2019, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức chuyến điền dã Xuân về Khu di tích An Toàn Khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt. Đoàn gồm 60 anh chị em hội viên do Đạo diễn Đan Thiết Thụ – Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội làm Trưởng đoàn.

Khoảng hơn 7h00, đoàn chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đi Thái Nguyên. Ra khỏi Hà Nội được một đoạn thì trời đổ mưa. Trên xe chẳng ai bảo ai nhưng dường như ai cũng nghĩ hôm nay mưa chắc chẳng tham quan được nhiều. Thế rồi xe vẫn bon nhanh theo hướng cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Sau gần 3 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi tới Khu di tích ATK Định Hóa.

Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa thuộc các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. ATK Định Hóa cách trung tâm thành phố Thái Nguyên quãng 50 km về phía Tây, Tây Bắc, cách Hà Nội gần 140km với tổng diện tích trên 5.200km2. ATK Định Hóa là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nơi có địa hình hiểm trở thời kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954. ATK Định Hóa thực sự là một quần thể di tích quan trọng của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX – Thủ đô kháng chiến – Thủ đô gió ngàn cùng với các di tích trọng điểm: Pác Bó – Cao Bằng; Tân Trào – Tuyên Quang; ATK Định Hóa – Thái Nguyên; Chợ Đồn – Bắc Kạn; Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn – Tuyên Quang… Đặc biệt, ATK Định Hóa là nơi khởi phát, tổ chức chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Năm 1981, Khu Di tích ATK Định Hóa đã được Bộ Văn hóa –Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Khu Di tích Quốc gia với 13 di tích:

1- Nhà tù Chợ Chu ở thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa. Nhà tù Chợ Chu do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1916, nâng cấp năm 1942, từng làm nơi giam giữ các chiến sĩ Việt Nam yêu nước và cách mạng.

2- Địa điểm thành lập Việt Nam Giải phóng quân ở xã Định Biên, huyện Định Hóa diễn ra Lễ Thành lập Việt Nam Giải phóng quân ngày 15/5/1945 tại thửa ruộng Nà Nhậu, phía trước Đình làng Quặng. Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh. Ngày nay, địa điểm này đã được dựng bia ghi dấu sự kiện và phục dựng lại Đình làng Quặng.

3- Địa điểm Bác Hồ ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa năm 1947. Nơi đây Bác đã đưa ra các quyết sách quan trọng để chỉ đạo quân dân ta trong chiến dịch Thu – Đông năm 1947. Di tích được phục dựng vào năm 2004 – 2005.

4- Địa điểm Bác Hồ ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo giai đoạn 1948 – 1954, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Cụm di tích gồm lán ở của Bác, của anh em bảo vệ, giúp việc, lán họp Bộ Chính trị, trạm gác, hầm trú, hào thoát xuống chân đồi… Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều văn kiện quan trọng và cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định quan trọng, giàng thắng lợi cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954. Hiện nay, lán ở của Bác, lán họp Bộ Chính trị và một số hạng mục khác đã được phục dựng lại bằng gỗ, vầu, mái lợp lá cọ.

5- Cụm di tích Bác Hồ ở Khuôn Tát như: Cây đa, đoạn suối Khuôn Tát – nơi Bác tắm, giặt và câu cá, Nhà sàn và hầm – nơi Bác ở và làm việc trên đồi Nà Đình, xã Phú Đình, huyện Định Hóa giai đoạn 1947 – 1954. Năm 2000, nhà sàn Bác ở, làm việc, hệ thống đường hầm và một số hạng mục khác trong di tích cũng đã được phục dựng.

6- Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng và Báo Sự thật làm việc tại Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa từ năm 1947 – 1949.

7- Địa điểm Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở xã Bảo Linh, huyện Định Hóa năm 1949 – 1954. Nơi đây là trụ sở làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng Tổng Quân ủy và Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trên đồi Khau Cuội. Năm 2004, Bộ Quốc phòng đã dựng lại lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầm, hào bảo vệ,… và lập nhà bia di tích Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh.

8- Thắng cảnh thác Khuôn Tát, xã Phú Bình, huyện Định Hóa. Thác gồm 7 tầng, nằm trên đồi Khẩu Goại, thuộc dãy núi Khau Nhị, tiếp nối với dãy núi Hồng. Trong thời gian làm việc ở đồi Tỉn Keo, Bác thường ngồi câu cá lúc giải lao. Nơi đây Bác thường cùng anh em bảo vệ, giúp việc tắm gội, giặt giũ.

9- Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, thuộc xóm Roòng Khoa, bên sườn đồi Khẩu Goại, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Hội nghị Quyết định việc thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam ngày 21/4/1950 đã diễn ra tại đây. Đến năm 1959, Ðại hội lần thứ II Hội Những người viết báo Việt Nam họp trong 2 ngày 16 và 17/4 tại Hà Nội. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ đến dự. Tại Ðại hội lần này toàn thể hội viên đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua Điều lệ mới và bầu Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thuỷ làm Chủ tịch. Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nhà bia lưu niệm tai địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

10- Địa điểm thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Ngày 19/11/1950, Hội nghị thành lập Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã diễn ra tại xã Điềm Mặc, Định Hóa sau này được đổi tên thành Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Trong kháng chiến, Ủy ban động viên nhân dân ta và kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp, góp công sức vào cuộc kháng chiến. Tại đây, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã cho dựng bia đá, khắc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị.

11- Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Đây là nơi đặt trụ sở của Ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng tại đồi Pụ Miếu, thôn Phụng Hiển. Hiện nay, nơi đây đã dựng nhà bia để ghi dấu sự kiện lịch sử ngày ấy.

12- Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ngày 20/10/1950 tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa. Hiện nay, Báo Quân đội nhân dân đã lập bia ghi dấu sự kiện tại di tích.

13- Địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ Phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948, ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Di tích là nơi lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110/SL ngày 20/01/1948 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ngày 28/5/1948 Bác đã chủ trì Lễ Phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Năm 2008, nơi đây đã được xây dựng nhà bia ghi dấu sự kiện tại di tích.

Nói đến Khu di tích ATK Định Hóa không thể không kể đến Di tích Tỉn Keo ở Đồi Tỉn Keo, xóm Tỉn Keo xã Phú Đình, nằm ở trung tâm của An Toàn Khu. Tỉn Keo theo tiếng dân tộc Tày là chân đèo. Ngày 6/12/1953 tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, dưới chân đèo De, núi Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 – 1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây cũng chính là di tích quan trọng nhất trong cụm di tích ATK Định Hóa.

Cũng tại Đồi Cọ thuộc Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953 thành lập Doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam – đặt nền móng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa của Khu Di tích ATK Định Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012, xếp hạng Khu Di tích ATK Định Hóa – Thái Nguyên là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đoàn chúng tôi đến Khu Di tích ATK Định Hóa – Thái Nguyên thì trời tạnh. Bầu trời trong xanh, nắng vàng tràn ngập khiến cây cối và cảnh vật trở nên linh lung, bắt mắt. Đến với Thủ đô gió ngàn vào một ngày đẹp trời, ai nấy đều vui tươi, phấn khởi. Chúng tôi trang phục chỉnh tề, trang nghiêm bước vào Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, mái ngói đỏ, bốn góc lượn cong như mái chùa. Bức tượng chân dung Bác bằng đồng ở tư thế ngồi với dáng vẻ bình dị. Chúng tôi làm lễ dâng hương, thành kính và lắng nghe nữ nhân viên ở Khu Di tích ATK Định Hóa nói về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại đã làm rạng rỡ non sông đất nước. Người là niềm tự hào dân tộc Việt Nam ta… Ai nấy đều biểu lộ lòng thành kính và sự biết ơn sâu sắc với nhiều cung bậc cảm xúc.

Chuyến đi dã ngoại trong một ngày tuy ngắn ngủi nhưng giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều điều bổ ích. Tới đây chúng tôi hiểu thêm sự gian nan, khổ cực của các chiến sĩ cách mạng đã đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc ấm no… Những người đã viết lên trang sử hào hùng của dân tộc khiến ai cũng xúc động bởi các bằng chứng sống động tái hiện truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc nơi đây. Khu Di tích ATK Định Hóa – một trong những Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi lịch sử cách mạng đầy hào hùng của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài: NSNA Tuyết Minh

Ảnh: Tuyết Minh và Hội Điện ảnh Hà Nội

Tin liên quan