Gần 1.000 hộ dân ở Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, sống trong cảnh quy hoạch treo hơn 20 năm.
Cồn Hến nằm giữa dòng sông Hương, phía đông kinh thành Huế. Năm 1998, tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch Cồn Hến thành khu du lịch cấp cao, lên kế hoạch di dời, giải tỏa gần 1.000 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch vẫn nằm trên giấy.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng đến khảo sát đầu tư ở Cồn Hến song phải từ bỏ bởi kinh phí cho việc đền bù giải tỏa người dân quá lớn.
Cầu sắt Phú Lưu rộng khoảng 3 m, dài 30 m là kết nối duy nhất của người dân Cồn Hến với bên ngoài. Hiện cầu xuống cấp, được sửa chữa tạm bợ. Năm 2020, cấu kiện sắt từ cầu Đông Ba tháo dỡ được tận dụng để sửa chữa cầu Phú Lưu.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cồn Hến theo quy hoạch sẽ phát triển thành khu du lịch đặc trưng tiêu biểu của TP Huế. Tuy nhiên, thực tế khu vực này hiện nay tồn tại khu dân cư đông đúc, trong khi đó các cơ sở hạ tầng, thiết chế xã hội phục vụ cho bà con chỉ được cải tạo, sửa chữa để duy trì hoạt động như cầu Phú Lưu, trường mầm non Phú Lưu, điểm sinh hoạt văn hóa…
“Quan điểm của tỉnh trong giai đoạn hiện nay vẫn định hướng thực hiện cồn Hến theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, hình thành khu du lịch đặc trưng của TP Huế, nơi tập trung các chức năng văn hóa du lịch cao cấp cao; sớm chỉnh trang và ổn định cuộc sống người dân ở trên cồn”, ông Thọ nói.
Lúc 2h hàng ngày, hơn 10 lò hấp hến ở Cồn Hến bắt đầu đỏ lửa sơ chế để cung cấp cho các hộ kinh doanh cơm, bún hến trên địa bàn.
Xưa kia, người dân Cồn Hến có nghề đi cào bắt hến trên sông Hương song nhiều người bỏ nghề vì thay đổi môi trường nước. Các lò hấp phải nhập thêm hến từ các xã ven phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền và hến Quảng Trị mới đủ cung cấp ra thị trường.
4h, bà Hoa, 62 tuổi, mang hến, nước hến và dưa môn sang Đập Đá chờ bán lại cho các hộ kinh doanh cơm, bún hến. Mỗi ngày, gia đình bà hấp hơn 4 tạ hến tươi mới đủ nhu cầu của thị trường.
“Gia đình tôi hành nghề hấp hến hơn 26 năm rồi. Hến hấp xong phải mang đi bán ngay, bởi vậy thường hấp lúc nửa đêm để kịp giao cho các hộ kinh doanh buổi sáng”, bà Hoa chia sẻ.
Hàng ngày, người dân Cồn Hến thường đi đò qua sông Hương để đến chợ Đông Ba ở phường Phú Hòa và chợ Cồn, đường Chi Lăng, phường Phú Cát để bán cơm, bún, hến, bắp.
Gia đình ông Trương Văn Đê, 56 tuổi cùng nhau dùng cơm trưa sau khi hoàn thành công việc hấp hến.
“Hến trên sông Hương khan hiếm dần khi khi đập ngăn mặn Thảo Long đi vào hoạt động. Nhiều người dân Cồn Hến cũng bỏ nghề cào hến để đi làm việc khác”, ông Đê nói. Ông là thế hệ thứ ba của gia đình sống ở Cồn Hến.
Hội trường sinh hoạt của người dân khu vực 6B, phường Vỹ Dạ, xuống cấp sau nhiều đợt mưa lũ liên tiếp năm 2020, nay bị bỏ hoang. Người dân sống trong khu vực cho biết không dám sinh hoạt trong hội trường xập xệ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, 80 tuổi trong ngôi nhà cấp 4 được thiết kế thêm căn gác để tránh lũ.
“Mùa lũ về, cồn Hến là một trong những nơi ngập sâu nhất. Đợt mưa lũ năm vừa rồi, nhà tôi ngập hơn một mét, may có căn gác nhỏ để tránh” bà Xuân nói.
Hàng chục năm qua, người dân cồn Hến vẫn giữ thói quen dùng nước sông Hương để tắm giặt. Nhiều đứa trẻ ở Cồn Hến đã quen với việc tắm sông mỗi khi tan trường.
Tại khu vực phía Đông của cồn, người dân canh tác trồng rau sạch, ngô chuối vì có dải đất phù sa bồi đắp màu mỡ.
Ông Nguyễn Văn Chua, 70 tuổi cho biết, mặc dù ở giữa lòng thành phố song gia đình vẫn lấy việc trồng bắp là nghề chính mưu sinh. Bắp trồng được từ gần một mẫu đất, hàng ngày được vợ ông gánh sang chợ Đông Ba, chợ Cồn bán.
Hơn 20 năm trong vùng quy hoạch treo làm khu du lịch, Cồn Hến như một làng quê nằm giữa trung tâm thành phố Huế với các nhà cao tầng bao quanh, không có thay đổi gì về hạ tầng.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong bối cảnh dịch Covid 19 ảnh hưởng sâu rộng, việc thực hiện dự án đầu tư Cồn Hến thành khu du lịch sẽ tiến hành từng bước phù hợp. Tỉnh xác định kêu gọi các nhà đầu tư có tư duy lớn, năng lực và kinh nghiệm tốt để đảm bảo việc đầu tư dự án hiệu quả.