Trái với cảnh náo nhiệt ở mặt tiền, các con hẻm Bùi Viện là nơi tá túc của người dân trong những căn nhà lụp xụp, chật chội.
Từ 17h, người dân sống trong hẻm 84 Bùi Viện (quận 1, TP HCM) chuẩn bị đồ đạc để buôn bán. Con hẻm dài khoảng 500 m là nơi sống, mưu sinh của hàng trăm hộ dân đến từ nhiều nơi, trong đó đa phần là những người già bị mất sức lao động. Họ phải tự bươn chải qua ngày, may mắn thì có con cháu chăm lo; hoặc trông chờ vào tiền trợ cấp từ phường.
Từ lâu, các tuyến phố Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu và Phạm Ngũ Lão được gọi là “phố Tây”, bởi thu hút đông đảo người nước ngoài tới tham quan, nhộn nhịp nhất vào buổi tối với nhiều quán bar, vũ trường… hoạt động đến đêm. Trái với vẻ sang trọng phía ngoài, trong hẻm là những căn nhà siêu nhỏ, chật hẹp có từ trước trước năm 1975.
Một góc hẻm 217 Đề Thám với những ngôi nhà chừng 2 m2, chiều rộng không đủ cho người nằm. Tại đây, người dân phải để xe máy bên ngoài để bớt chật chội.
Trẻ con nô đùa trong hẻm 184 Bùi Viện, chỉ vừa đủ hai người lách qua.
Mỗi lần ra vào căn nhà 4 m2 trong con hẻm, bà Trần Thị Kim Hiền (52 tuổi) phải lách qua cửa chỉ vừa một người, trong nhà chật cứng đủ loại đồ sinh hoạt. Bà cho biết đã sống tại đây từ nhỏ và hiện ở cùng chồng cùng anh trai. “Ba người chia nhau một căn gác làm chỗ ngủ. Căn nhà này từ xưa đã thế này, chật chội nhưng chúng đã quen”, bà nói.
Nhà chật, bà Hiền phải tận dụng một góc hẻm trước nhà để làm bếp ăn. Hàng ngày, bà nấu xíu mại, đem ra phố Tây bán, mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng.
“Có nhà ở là hên rồi, người ta không có tiền phải đi thuê. Giờ già cả rồi, làm gì ra tiền nữa mà trả tiền nhà”, bà Đặng Thị Em (68 tuổi) nói, vừa lau dọn trong căn nhà 8 m2 ở hẻm 104 Bùi Viện.
Bà cho biết ngôi nhà đang là nơi trú ngụ của 6 chị em trong gia đình. Bà làm nghề chở mướn, ai kêu gì chở đó; ngoài ra bà còn kê thêm vài hàng rau củ trước nhà để bán kiếm thêm sống qua ngày.
Cách đó vài chục mét, gia đình bà Phụng tận dụng khoảng nhỏ trước nhà để làm bếp nấu nướng cho 6 người trong gia đình. Bà cho biết nhà nghèo, không mua được ấm điện nên tận dụng củi vụn để đun.
Lối đi trong hẻm rộng chưa đầy nửa mét dẫn vào nhà ông Lương Phát.
Ông Phát đã sống hơn 50 năm trong căn nhà 2 m2 cùng 5 người thân. Nhà chật nên hàng ngày, ông phải gửi xe máy ở chung cư gần đó, rồi len lỏi vào trong hẻm về nhà. “Những đứa con lớn lên có tiền thì mua nhà ở riêng, còn mình già rồi có chỗ che nắng che mưa là mừng”, ông nói.
Du khách nước ngoài đi trong hẻm 104 Bùi Viện. Tại hẻm, hầu hết là những căn nhà siêu nhỏ, người dân phải chất đồ đạc ra ngoài.
Tối muộn, anh Nguyễn Quốc Tuấn (43 tuổi) cùng mẹ, vợ và 4 đứa con quây quần bên mâm cơm trong căn nhà 10 m2 ở hẻm 104 Bùi Viện. Anh cho biết căn nhà được bố cho khi lập gia đình và sống từ năm 1980 đến giờ. Hiện anh Tuấn làm nghề sửa xe ngoài phố, ngày kiếm được khoảng vài trăm nghìn đồng. “Cả 4 đứa đều đang sắp đi học nên ngoài sửa xe, tôi cố gắng làm thêm việc khác để trang trải cuộc sống”, anh Tuấn nói.
Một góc phố Tây Bùi Viện nhộn nhịp về đêm, kế bên là con hẻm nhỏ, nơi những người lao động vẫn lặng lẽ mưu sinh hàng ngày.