Vụ cháy tại chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) khiến người dân có tâm lý bất an. Nhiều người đã đổ xô tìm mua các thiết bị phòng cháy, chữa cháy để chủ động trong việc ứng phó với hỏa hoạn.
Tranh thủ nghỉ giữa giờ làm, chị Nguyễn Vân Anh (35 tuổi, Hà Nội) vội vàng lên mạng tìm kiếm các mặt hàng phòng cháy chữa cháy (PCCC) để mua cho gia đình.
“Đọc tin tức về vụ cháy đêm qua khiến tôi rất lo lắng. Chung cư nơi tôi ở cũng có kết cấu khá giống chung cư mini xảy ra vụ cháy. Sáng nay, tôi đã lập tức lên các sàn thương mại điện tử tìm mua thiết bị thoát hiểm, chống cháy”, chị Vân Anh nói.
Gia đình chị Vân Anh gồm 3 thành viên, tổng chi phí mua thiết bị hết 1.200.000 đồng, bao gồm 3 mặt nạ chống khí và hai thang dây dài 30m.
Từ sau vụ cháy tại một chung cư mini ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến nhiều người thương vong. Người dân Hà Nội, đặc biệt là những gia đình đang sinh sống trong các khu tập thể, chung cư, chung cư mini cũ… có tâm lý bất an.
Nhiều người cho biết, họ vốn chủ quan trong việc phòng cháy và chưa có nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong việc chữa cháy, thoát hiểm. Đến khi sự việc thương tâm xảy ra họ mới bắt đầu tìm hiểu và mua thiết bị.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại các cơ sở bán thiết bị PCCC, nhu cầu người dân mua đồ thoát hiểm tăng vọt.
“Nhiều khách lẻ gọi điện đặt hàng, ngoài ra, có khoảng 4-5 người đến xem mua tại cửa hàng. Trước đây cơ sở tôi chỉ bán buôn cho các khu công nghiệp nhưng sáng nay đã ghi nhận số lượng bán lẻ tăng vọt, trong khi thường ngày gần như không có người hỏi mua”, ông Trần Đăng Lợi, đại diện Công ty thiết bị PCCC Thắng Lợi cho biết.
Tương tự, một đơn vị bán thiết bị PCCC tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng ghi nhận số lượng khách mua hàng tăng nhanh từ sáng 13/9. Các thiết bị được hỏi mua nhiều nhất là thang dây thoát hiểm, bình cứu hỏa, mặt nạ phòng hộ, mũ và găng tay phòng hộ.
Ông Nguyễn Hải Long, đại diện công ty thiết bị PCCC Hải Phát cho biết, đối với gia đình sống ở nhà cao tầng và chung cư, các thiết bị cần thiết nên có sẵn trong nhà là thang dây và mặt nạ chống độc. Nếu có điều kiện, có thể mua thêm găng tay, ủng chống độc.
“Từ trước đến nay, người dân khá thờ ơ trong việc PCCC, nhiều gia đình khi bị bắt mua theo yêu cầu của chung cư thì chỉ mua những loại rẻ tiền, không có thương hiệu. Khi sử dụng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro”, ông Long nói.
Nhiều người dân cũng cho biết, họ đã tìm hiểu trước về cách sử dụng các thiết bị PCCC. Tuy nhiên, việc người dân đổ dồn đi mua các mặt hàng này vẫn theo tâm lý đám đông, chưa có căn cứ để lựa chọn các sản phẩm phù hợp.
Việc mua các thiết bị PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và gia đình, người dân cần lưu ý mua hàng tại các công ty, đại lý uy tín; có chế độ bảo hành; đầy đủ giấy tờ kiểm định chất lượng; yêu cầu hướng dẫn sử dụng sơ bộ, tránh tình trạng mua hàng ồ ạt theo phong trào.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, tùy vào xuất xứ, giá thành của các thiết bị PCCC khá đa dạng.
Đối với mặt nạ chống độc có 2 loại là 1 phin và 2 phin, giá thành dao động từ 90.000 đồng – 500.000 đồng/chiếc, tùy loại. Thang dây thoát hiểm có hai loại là dây dù và dây bằng cáp, bán kèm là bộ dây đai, giá cả dao động 90.000 đồng – 150.000 đồng/m. Đầu báo khói lắp đặt tại gia đình có giá 400.000 đồng – 500.000 đồng/bộ.
Bình chữa cháy cũng có 2 loại đang phổ biến trên thị trường hiện nay là dạng bột và dạng khí CO2. Dạng bột loại 1-8kg có giá 150.000 đồng – 300.000 đồng/bình; dạng khí CO2 từ 3-5kg có giá 400.000 – 580.000 đồng/bình.
Các gia đình trung bình 4 thành viên sẽ phải chi từ 1,2 đến 2 triệu đồng để mua sắm thiết bị PCCC cơ bản.
Vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 23h22 ngày 12/9, tại nhà dân ở ngõ 29/70, phố Khương Hạ. Nơi xảy ra cháy là căn nhà 9 tầng, một tum, có nhiều người mắc kẹt bên trong và không ngừng kêu cứu khi ngọn lửa bùng phát.
Đến 0h15 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã giải cứu hơn 100 người bị mắc kẹt.
Tối 13/9, Công an Hà Nội thông tin có 56 nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn và 37 người bị thương.