Đào dông hương trên vùng cát

Đầu mưa, người dân ven biển Phan Thiết đi đào dông hương trên các động cát mang về ăn hoặc bán với giá 800.000 đồng một kg.

Người dân đi đào dông trên đồi cát bỏ hoang ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc.
Người dân đi đào dông trên đồi cát bỏ hoang ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc.

Sau những vài cơn mưa đầu mùa, các đồi cát khô khốc kề biển Phan Thiết bỗng chuyển mình tươi xanh. Cỏ cây lún phún mọc lên mang đến nguồn sống mới cho các loài chim chóc, bò sát và côn trùng, trong đó có loài dông. Đây là thời điểm người dân địa phương đổ xô đi bắt dông.

Đầu tuần, Châu Văn Trọng, 29 tuổi, cùng 4 thanh niên trong xóm vác xuổng lên đồi cát xã Tiến Thành đào dông. Đến nơi, mỗi người đi một hướng tìm hang. Trọng đi từng bước chậm rãi, phát hiện lỗ cát tròn có dấu chân dông còn rất mới. Anh dừng lại, lấy tay gạt những cọng cỏ khô qua một bên, rồi đào.

Xuổng có cán dài khoảng một mét, lưỡi rộng chừng 10-15 cm và dài 30 cm. Khi đào vài nhát đầu tiên, cát lấp xuống, hang như mất dấu, Trọng dùng một cây nhỏ bằng ngòn út dài chừng nửa mét thọc vào tìm. “Cây thăm” lút trọn vào trong hang. Trọng theo dấu cây đào tiếp.

Hang dông không đi thẳng, thi thoảng ngoặt qua trái hoặc ngoặt qua phải theo hình chữ Y. Trọng vừa đào vừa dùng “cây thăm” để định hướng hang. 10 phút sau, Trọng đã nhìn thấy đuôi dông lòi ra, anh lấy xuổng cào nhẹ lớp đất cát, rồi lôi con dông ra ngoài.

Châu Văn Trọng, 29 tuổi, đi đào dông trên đồi cát xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc.
Châu Văn Trọng, 29 tuổi, đi đào dông trên đồi cát ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc.

Theo Trọng, đào dông không nên vội vã, mà phải từ từ. Bởi khi làm nhanh, mắt người đào không quan sát kịp, con dông sẽ dễ phóng chạy ra, rất khó bắt. Con dông vừa được đưa ra khỏi hang vùng vẫy đuôi, anh bỏ ngay vào bao lưới. Trọng uống một ngụm nước, rồi tiếp tục tìm hang khác.

Cách bán kính nơi Trọng đào khoảng 50-100 m, những người bạn trong nhóm cũng đang hì hục đào. Dông đào lên được bỏ vào bao lưới để giữ cho chúng tươi sống. Cứ đào hết hang này, họ lại tìm hang khác. Cứ thế, nhóm tản ra trên bãi đất rộng cả chục hecta trong buổi sáng.

Họ đào từ 7h đến 11h, rồi nghỉ đến 14h đi tìm tiếp. “Giữa trưa nắng gắt, dông thường bò lên trên hóng mát và đi kiếm ăn, nên giờ đó mình đào sẽ không có, phải đợi lúc chúng về hang”, anh Nguyễn Vân cho biết.

Mỗi ngày, một người bắt được khoảng một kg dông, có khi nhiều hơn. Dông đầu mùa ngon, nên người địa phương thường nhốt lại để ăn dần. Nếu được nhiều, họ mang ra chợ bán với giá 800.000 đồng một kg. “Dông tự nhiên ngon hơn dông nuôi, nên mang ra bán là có người mua liền”, anh Huỳnh Văn Tuấn nói.

Con dông tự nhiên không to như dông nuôi, chỉ lớn bằng ngón chân cái đổ lại, dài 30-45 cm. Mùa này có nhiều thức ăn, nên chúng béo và nhiều trứng, thịt ngọt và thơm, nên loài dông tự nhiên này thường được gọi là dông hương.

Dông hương được đào từ các đồi cát tự nhiên ở ven biển Phan Thiết (Bình Thuận) có giá 800.000 đồng một kg. Ảnh: Việt Quốc.
Dông hương được đào từ đồi cát tự nhiên ở Phan Thiết có giá 800.000 đồng một kg. Ảnh: Việt Quốc.

Dông hương nướng lửa than là món thông dụng nhất đối với người dân Bình Thuận. Ngoài ra, chúng còn được dùng để nấu canh với dưa hồng (một loại dưa hấu nhỏ có kích thước chỉ bằng bụm tay). Nếu có số lượng nhiều, dông được bằm ra đổ bánh xèo hoặc xúc bánh tráng.

Trước đây, người dân chủ yếu đi ra rẫy, ra rừng tìm bắt về ăn. Khoảng 20 năm trở lại đây, người dân ven biển Phan Thiết và vùng Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) đã hình thành nghề nuôi dông. Con dông đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Bình Thuận, được thực khách chọn dùng khi đến du lịch tại vùng biển này.

“Bây giờ dông nuôi cũng nhiều, nhưng đào dông hương vẫn là cái thú của anh em chúng tôi, vừa vui vừa có tiền”, anh Trọng nói.

Tin liên quan