Ba ngày sau khi bão Yagi đổ bộ, hòn đảo thu hút khách du lịch Cát Bà thành một vùng tan hoang, đổ nát, nhiều cơ sở du lịch thiệt hại hàng tỷ đồng.
Chợ đêm Cát Bà như một đống đổ nát sau khi bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào đảo cách đây ba ngày.
Khu chợ nằm trên đường 1/4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải đối diện vịnh Cát Bà bị sức mạnh của cơn bão thổi bay toàn bộ 45 ki ốt bán đồ lưu niệm.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một ki ốt đứng ngẩn ngơ nhìn khối tài sản hàng trăm triệu nay mất trắng.
“Bố tôi năm nay 85 tuổi, ông nói cả đời chưa thấy Cát Bà bị bão tàn phá nặng nề như lần này”, bà Huệ nói.
Các khách sạn, nhà hàng dọc đường 1/4, vị trí đẹp nhất đảo Cát Bà hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bão đổ bộ.
Theo UBND huyện đảo Cát Hải, trên địa bàn huyện có 4.717 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại cụ thể chưa thể thống kê.
Sức mạnh của cơn bão bóp méo cục nóng điều hòa một khách sạn trên đường Núi Ngọc, thị trấn Cát Bà.
Khi đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng lúc 12h ngày 7/9, bão với sức gió cấp 12-13, giật cấp 15.
Chị Huyền Chi, nhân viên tư vấn tour tham quan đảo Cát Bà vẫn “cảm thấy may mắn” vì ki ốt công ty mình vẫn giữ được cánh cửa cuốn còn mái tôn và tài sản khác bay mất trong bão.
Giàn mái che bằng thép của khách sạn Hùng Long không đủ sức chống chọi với sức mạnh của bão, đổ sập toàn bộ.
Hầu hết các công trình có kết cấu khung thép, mái tôn tại đảo Cát Bà đều bị thổi bay, đánh sập khi bão Yagi đổ bộ.
Một nhà hàng trên đường 1/4 bị bão làm tốc mái, vỡ cửa kính, hư hỏng toàn bộ đồ đạc bên trong.
Anh Lê Mạnh Hiệp, chủ khách sạn Dolphin Hotel 230 cho biết thiệt hại của các cơ sở du lịch là vô cùng lớn. Riêng gia đình anh Hiệp bị thiệt hại khoảng 500 triệu đồng vì bão.
“Nơi nào muốn đón khách nước ngoài thì cố gắng lắm một tháng nữa mới đón được, số còn lại phải tập trung sửa chữa đến hè năm sau”, anh Hiệp nói.
Nhân viên LePont Cat Ba Bungalow ở đường Cát Cò 3, dọn dẹp đống đổ nát trong ba ngày vẫn chưa xong.
Tổ hợp nghỉ dưỡng nằm trên mỏm núi nhìn ra biển hứng trọn sức cuồng phong và bị phá hủy gần như hoàn toàn, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
21 căn nghỉ dưỡng luôn kín khách đặt nay chỉ còn là đống đổ nát, hầu hết đồ đạc bị phá hủy, không thể sử dụng.
Cây cối, biển báo, công trình bị hư hỏng phát sinh lượng rác khổng lồ tràn ngập đường Núi Ngọc, thị trấn Cát Bà.
Chính quyền địa phương đã huy động ôtô, máy xúc, bộ đội để dọn dẹp, khơi thông các con đường.
Trạm biến áp gần hồ Tùng Dinh, trung tâm thị trấn Cát Bà bị bão đánh đổ, chưa thể khôi phục. Từ khi bão đổ bộ đến nay, toàn đảo vẫn mất điện.
Dọc đường xuyên đảo đi qua cổng vườn Quốc gia Cát Bà vẫn rất ngổn ngang, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Hàng nghìn cây xanh, nhiều diện tích rừng, 12 ha cây ăn quả lâu năm và 19 ha hoa màu trên đảo bị thiệt hại.
Các điểm du lịch như động Thiên Long, động Thiên Cung, động Trung Trang đều dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong thiệt hại do bão gây ra.
Bãi biển Tùng Thu tan hoang, không một bóng người sau bão.
Bão còn khiến 9 tàu du lịch bị đắm, 10 cột viễn thông bị đổ, 27 cột điện bị gãy đổ, 52 công trình công cộng 17 di tích hư hỏng; 20 trường học bị tốc mái.
Theo UBND huyện đảo Cát Hải, thiệt hại về cơ sở vật chất hạ tầng công sở là gần 30 tỷ đồng. Riêng thiệt hại của ngành du lịch và người dân chưa thể thống kê được.