Vòm cầu đường sắt sẽ trở thành nơi giới thiệu các sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống của du lịch của thủ đô.
Ban quản lý phố cổ Hà Nội tiến hành đục thí điểm 5 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên. Đây là các vòm cầu số 79, 80, 81, 82, 83, đoạn nối từ Hàng Cót đến Hàng Giấy.
Việc đục thông và chỉnh trang lại không gian bên trong vòm cầu góp phần tạo không gian công cộng, tăng kết nối với các tuyến phố di sản ở phố cổ Hà Nội. Khu vực này sẽ được phát triển thành không gian văn hóa thương mại, dịch vụ du lịch nhằm quảng bá các sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống cùng các sản phẩm văn hóa, du lịch của thủ đô.
Hoạt động này nằm trong đề án “Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội”. Khu vực vòm cầu đá Phùng Hưng có 131 vòm cầu dẫn đường sắt, có tới 127 vòm cầu được bịt kín do yêu cầu đảm bảo an ninh trong giai đoạn trước.
Các vòm cầu được chọn đại diện cho từng loại hình khác nhau, như vòm cầu bịt kín 2 đầu bên trong lấp đất đá, vòm cầu bịt kín 2 đầu bên trong rỗng. Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, việc chọn ra từng loại hình vòm cầu để thí điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi về kỹ thuật, kinh nghiệm xử lý các vòm cầu tiếp theo trong thời gian tới. Trước đó, đơn vị thi công đã bó ray phía trên vòm cầu, ngăn đường, phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn.
Trong thời gian thi công, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ điều chỉnh tàu chạy chậm qua vị trí thi công, ở mức 1,5 km/h. Dự kiến việc đục thông mỗi vòm cầu hoàn thành kéo dài từ 25 – 35 ngày, tùy thuộc từng kết cấu công trình, với sự giám sát của các chuyên gia từ Cục Đường sắt.