Sau trùng tu, Hải Vân Quan, nơi có “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, giữ được vẻ đẹp uy nghi giữa cảnh quan tráng lệ của đèo Hải Vân, khiến nhiều du khách mong danh thắng sớm được mở cửa để chiêm ngưỡng.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân mây ngàn gió lộng, là ranh giới hành chính giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, cũng là ranh giới tự nhiên phân chia khí hậu, văn hóa hai miền. Công trình gần 200 năm từng bị hư hỏng và được “lột xác” sau cuộc trùng tu 3 năm. Kinh phí trùng tu hơn 42 tỷ đồng do Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đóng góp đều nhau. Thừa Thiên Huế, nơi có kinh nghiệm trùng tu di sản, phụ trách triển khai thực hiện. Dự án hoàn thành các hạng mục chính từ đầu năm 2024.
Trong ảnh là Hải Vân Quan lúc chiều tà nhìn từ phía Đà Nẵng hướng vào vịnh Lăng Cô phía Thừa Thiên Huế hồi cuối tháng 6. Ảnh sau là di tích Hải Vân quan khi đang được trùng tu năm 2022.
Công trình được nghiên cứu phục dựng sát với kiến trúc triều Nguyễn, với cổng chính sử dụng gạch vồ, bao quanh bởi tường bằng đá. Giữa cổng là dòng chữ Hải Vân Quan khắc bằng Hán tự.
Từ cổng chính Hải Vân quan nhìn vào toà nhà trú sở. Nhà trú sở và nhà vũ khố ba gian được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. Nhà xây tường gạch vâu ban, trụ gỗ có đế đá, mái ngói.
Hai Công trình nhà vũ khố ba gian (bên trái) và nhà trú sở là nơi cất giữ, bảo quản vũ khí của triều đình và làm nơi nghỉ ngơi, làm việc của binh lính thực hiện canh gác nơi đây.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, hiện các hạng mục như cổng chính Hải Vân Quan, Thiên hạ đệ nhất hùng quan (ụ gác cao nhất), nhà trú sở, nhà vũ khố, các vị trí pháo đài, tường đá, lối đi đã hoàn thành. Phần tường chắn đất, mương thoát nước, hệ thống tường thành nhà Nguyễn, cổng phụ, chòi canh, lan can cũng cơ bản hoàn tất.
Một cửa phụ trong thành.
Trong chuyến du lịch miền Trung vào cuối tháng 6 qua cung đường đèo Hải Vân, Minh Nhật, 26 tuổi đến từ Hải Dương khá bất ngờ vì thấy Hải Vân quan đã được trùng tu xong, nhưng anh ”thấy tiếc” vì di tích không mở cửa để được vào bên trong tham quan.
Từ nhà trú sở nhìn ra cổng chính. Công trình đến nay vẫn “cửa đóng then cài” do chính quyền Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế chưa thống nhất được phương án quản lý, khai thác di tích.
Thuận Lợi, hướng dẫn viên, cũng bày tỏ tiếc nuối vì di tích Hải Vân Quan vẫn chưa mở cửa đón du khách. Anh nói khách trong và ngoài nước luôn chủ động đề xuất địa điểm này trong lịch trình tour Huế – Đà Nẵng của mình. “Hải Vân Quan mở cửa sẽ là một điểm đến thú vị thu hút khách du lịch”, hướng dẫn viên nói.
Lối đi qua cửa phụ của hướng ra Thiên hạ đệ nhất hùng quan với cửa mái vòm, ghép gạch vồ, bao quanh bởi tường đá. Từ vị trí này, nhìn về phía nam có thể thấy Đà Nẵng với cảng Tiên Sa – bán đảo Sơn Trà, những bài cát trằng chạy dài ôm theo bờ biển. Nhìn về phía bắc là vịnh Lăng Cô như tranh vẽ cùng những cung đường đèo uốn lượn, mây trắng bay.
Lối đi hướng ra vọng gác.
Một góc Hải Vân Quan trầm mặc, uy nghi nhìn ra vịnh Lăng Cô. Vị trí bao quát cho thấy tầm quan trọng của thành lũy phòng thủ này vào thời Nguyễn. Ngày nay, nơi đây là điểm lý tưởng để tham quan, ngắm cảnh, xứng đáng với danh hiệu “thiên hạ đệ nhất hùng quan” vua Lê Thánh Tông đề tặng khi dừng chân ngắm cảnh tại đây.
Đến Hải Vân Quan vào cuối tháng 6, Trung Phan, nhiếp ảnh gia tự do tại Huế cho rằng di tích có giá trị, nằm giữa cảnh quan kỳ vỹ với rừng, núi, biển, “chắc chắn trở thành điểm đến hút khách”.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết hai bên đang gấp rút tháo tìm phương án để khai thác, bảo tồn hiệu quả di tích. Dự kiến đến quý III năm nay sẽ mở cửa đón khách tham quan.