(Cuộc sống) Nhiều trục đường hiện đại đã làm thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội và góp phần phát triển khu vực ven đô 10 năm qua.
Sau gần hai năm Hà Tây sát nhập Hà Nội, năm 2010, Đại lộ Thăng Long khánh thành dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là tuyến cao tốc hiện đại nhất kết nối trung tâm thủ đô hướng quận Cầu Giấy với các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất (thuộc Hà Tây cũ).
Đại lộ có tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, dài gần 30 km, rộng 140 m, gồm 6 làn đường và hai đường gom cùng dải phân cách rộng hàng chục mét.
Dọc trục đường này đã hình thành hàng loạt các khu đô thị cao cấp và nhà chung cư cao tầng, phục vụ nhu cầu của cả triệu cư dân sinh sống.
Khánh thành cùng thời điểm và chạy song song với Đại Lộ Thăng Long, đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) dài gần 3 km, nối đường Vành đai 3 (đoạn quận Thanh Xuân) với các quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông.
Đường có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, rộng 40 m với 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60 km/h. Sau 8 năm hoạt động, đường Tố Hữu được mệnh danh là “trục đường có nhiều cao ốc nhất” với trên 40 tòa nhà 25-35 tầng, nhiều khu đô thị, biệt thự liền kề. Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của thủ đô đang được thử nghiệm trên trục này. Cũng vì thế, Tố Hữu còn nổi danh là điểm nóng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm.
Đường Lê Trọng Tấn (thuộc hệ thống đường vành đai 3,5) là một trong những điểm nhấn của quận Hà Đông. Tuyến đường khánh thành năm 2011, có tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng, dài 6,8 km, rộng 42 m. Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 6, điểm cuối giao với đại lộ Thăng Long.
Nằm ở phía Tây thủ đô, đường Lê Trọng Tấn kết nối các khu vực sôi động bậc nhất quận Hà Đông như khu đô thị Geleximco, Park City, Văn Phú…
Năm 2012 đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch – Pháp Vân dài hơn 9 km có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng được đưa vào hoạt động. Tuyến đường này nằm trong hệ thống vành đai 3 dài khoảng 65 km, đi qua các quận, huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm.
Điểm nhấn của tuyến là hệ thống cầu cạn chuẩn cao tốc, phục vụ ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h. Đây được coi là tuyến huyết mạch kết nối trung tâm với các quận huyện vùng ven như Hoàng Mai, Thanh Trì.
Dọc hai bên đường các khu đô thị đã và đang mọc lên dày đặc, khiến hạ tầng ngày càng quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông.
Cầu Nhật Tân khánh thành đầu năm 2015 có tổng vốn đầu tư 13.600 tỷ đồng. Cầu dài 3,7 km, rộng 60 m với 4 làn xe. Cầu bắc qua sông Hồng kết nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ. Cây cầu này đã làm thay đổi diện mạo giao thông cửa ngõ phía Bắc thủ đô, giảm thời gian từ trung tâm đến sân bay Nội Bài và góp phần phát triển các huyện Đông Anh, Sóc Sơn.
Kết nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài là đường Võ Nguyên Giáp (đường Nhật Tân – Nội Bài), khánh thành cùng thời điểm với cầu Nhật Tân. Đường dài 12 km, rộng 80-100 m, phục vụ 6 làn xe vận tốc 80 km/h, hai đường gom cho xe máy, xe thô sơ; tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng.
Tuyến đường được coi là đẹp nhất thủ đô này giúp việc di chuyển từ trung tâm đến sân bay Nội Bài chỉ còn khoảng 30 phút, giảm gần một tiếng so với trước đây.
Đường 5 kéo dài (đường Trường Sa, Hoàng Sa) kết nối các quận Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn. Đường khánh thành năm 2014, dài 13,3 km, rộng 65-68,5 m. Điểm đầu tuyến từ khu đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì, chạy dọc các xã Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh (huyện Đông Anh), giao với quốc lộ 3 sau đó vượt qua sông Đuống và kéo dài tới cầu Chui (quận Long Biên).
Với tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng, tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I, tốc độ 80 km/h. Dự án giúp thúc đẩy phát triển các khu Bắc Thăng Long – Vân Trì, Đông Anh – Cổ Loa, Gia Lâm – Sài Đồng.
Cầu Đông Trù dài 1,1 km bắc qua sông Đuống, nằm trong tuyến quốc lộ 5 kéo dài, khánh thành năm 2014 và có tổng mức đầu tư 882 tỷ đồng. Đây là cầu nối phát triển giữa các khu đô thị thuộc quận Long Biên, Đông Anh và Sóc Sơn.