Khu công nghiệp Biên Hoà 1 có tuổi đời hơn 60 năm, hiện còn nhiều công ty hoạt động, cư dân sống trong những căn nhà lụp xụp cạnh các nhà máy.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Khu công nghiệp nằm ở TP Biên Hoà, hình thành năm 1963, diện tích 335 ha, từng được xem là hình mẫu và tiền đề cho phát triển các khu công nghiệp trên cả nước về sau. Các nhà máy trong khu nằm bên sông Cái, dọc xa lộ Hà Nội (trước 1975 là xa lộ Biên Hoà), trục đường huyết mạch dẫn vào TP HCM ở phía đông.
Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai. Năm 2009, khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Mới đây đề án chuyển đổi khu trung tâm hành chính và đô thị với tổng diện tích khoảng 330 ha được tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Ban đầu khu công nghiệp có tên Khu kỹ nghệ Biên Hoà, sau năm 1975 mới đổi thành tên như bây giờ. Hiện tấm bảng còn ở đoạn gần ngã tư Vũng Tàu.
Thập niên 1960, địa điểm được chọn xây dựng khu kỹ nghệ có nhiều thuận lợi nằm trên các trục giao thông đường sắt (đường xe lửa Bắc – Nam), đường thuỷ (sông Đồng Nai) và đường bộ huyết mạch qua xa lộ Biên Hoà. Khu kỹ nghệ được xây dựng với mục đích kéo giãn lực lượng công nhân tập trung ở Sài Gòn, giãn dân đô thị, đẩy mạnh công nghiệp.
Từ khi xây dựng cho đến năm 1975, khu kỹ nghệ Biên Hoà có 94 nhà máy, xí nghiệp. Phần lớn máy móc, trang thiết bị của khu kỹ nghệ được nhập từ Nhật, Đức, Pháp, Đài Loan…
Đến năm 1990, tỉnh Đồng Nai thành lập Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa với tên gọi (Sonadezi Biên Hoà). Doanh nghiệp này đã đầu tư nguồn vốn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khu công nghiệp vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhà máy, khu xưởng được xây dựng từ lâu, theo lối kiến trúc cũ.
Hiện có 70 doanh nghiệp trong nước và 6 doanh nghiệp FDI thuê đất, hạ tầng tại khu công nghiệp. Tỉnh cho biết do đã được quy hoạch di dời nên các nhà máy không thể mở rộng sản xuất dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, tỷ suất lợi nhuận thấp.
Các trục đường trong khu công nghiệp rộng trung bình 4 làn xe, hai bên được trồng nhiều cây sứ thường xuyên nở hoa.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Công ty giấy Đồng Nai là nhà máy đầu tiên hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hoà 1. Nhà máy hình thành từ năm 1959, với cái tên Cogido, có từ trước khi khu công nghiệp ra đời vài năm.
Theo lãnh đạo nhà máy, sau khi cổ phần hóa, công ty đã chuyển qua nhiều đời chủ và cơ cấu lại sản xuất. Hiện khu đất còn nhà xưởng, văn phòng từ những ngày đầu nhưng không có công nhân làm việc.
Một nhà máy với khẩu hiệu “Tổ quốc đang cần thép” trên tường rào. Những công nhân thâm niên trong công ty cho biết, khẩu hiệu này tồn tại hơn 30 năm nay.
Theo UBND tỉnh, việc di dời các doanh nghiệp khỏi khu công nghiệp dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025. Tuy nhiên hiện công tác di dời gặp nhiều khó khăn như bồi thường giải phóng mặt bằng hay ổn định hoạt động, cuộc sống cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng.
Hiện phần lớn công ty, nhà máy ở đây vẫn hoạt động, với tổng số gần 21.500 lao động.
UBND tỉnh sẽ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập, tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội… cho các doanh nghiệp phải di dời.
Tại khu công nghiệp có cư xá Cogido xây dựng từ trước 1975, dành cho cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, khu cư xá hiện lụp xụp, xuống cấp, nhiều cư dân đã dọn đi hoặc cho thuê lại.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Bà Đặng Thị Kim Cúc, 74 tuổi, bên căn nhà lụp xụp, thấp hơn mặt đường trong cư xá Cogido. Bà về khu công nghiệp làm việc trong nhà máy giấy Đồng Nai từ năm 1976 và được cấp nhà ở đây.
Hiện nhà bà xuống cấp nhiều năm qua, ẩm thấp, trần hư hỏng, sửa chữa tạm bợ. “Hơn chục năm trước chúng tôi nhận tiền bồi thường nhưng ít quá không đủ tái định cư, vẫn phải sống tạm ở đây”, bà nói.
Trong đề án vừa được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai xác định phải chi khoảng 1.270 tỷ đồng hỗ trợ đời sống người lao động, ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Hai dự án đang triển khai tại nơi được quy hoạch trung tâm hành chính tỉnh ở Khu công nghiệp Biên Hoà 1 là trụ sở Công an tỉnh (góc phải) và đối diện là trụ sở Kiểm toán Nhà nước.
Theo UBND tỉnh, sau khi hoàn thành, một khu đô thị, dịch vụ, thương mại mới sẽ hình thành nằm trải dài theo bờ sông Đồng Nai. Đề án cũng giúp hiện thực hóa việc phát triển khu trung tâm mới tại phường Thống Nhất và phường Hiệp Hòa, gắn kết khu trung tâm với cửa ngõ thành phố.
Vị trí Khu công nghiệp Biên Hoà 1. Đồ hoạ: Khánh Hoàng