(NAHN) Hàng năm vào ba ngày 14; 15; 16 tháng 3 âm, làng cổ Văn Lâm thuộc cố đô Hoa Lư mở hội Đền Thái Vi. Theo dã sử thì sau khi vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con vào năm 1258, sau đó ngài vi hành về đất Hoa Lư nơi đóng đô của của Đinh Bộ Lĩnh, khi chứng kiến cảnh vật nơi đây ngài đã thốt lên “Vi vân sơn” (cảnh đẹp như mây bay” , miền đất có thể chất “trừ tà sát quỷ” và ngài đã chọn mảnh đất có đền Thái Vi bây giờ làm một cư xá ở chốn Hoa Lư. Đời sau để nhớ đến công ơn Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, gia tộc họ Trần đã lập Đền Thái Vi để ghi nhớ công ơn cùng nhân dân Đại Việt đã ba lần chiến thắng giặc ngoại xâm và xây dựng Đại Việt ngày càng hùng mạnh! Nhân dân làng Văn Lâm rất vinh hạnh được chăm lo, giữ gìn Đền Thái Vi và duy trì lễ hội tưởng nhớ về cội nguồn vào tiết xuân tháng ba âm lịch hàng năm.
Lễ hội Đền Thái Vi
Nổi tiếng của Lễ hội Đền Thái Vi có lẽ là phần múa rồng lân và rước các kiệu thánh kéo dài từ đình Văn Lâm cho đến Đền Thái Vi có chiều dài hàng cây số, theo con đường uốn khúc men theo các eo núi đá vôi, qua những cánh đông lúa xanh rời rợi đương thì con gái…Trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, vang rội, hào hùng…Những âm thanh được nhân lên huyền ảo linh thiêng khi va đập với rừng núi đá vôi như muôn vàn ngọn gươm, dáo ngọn sắc vươn cao tới tận trời mây…
Bài, ảnh: NSNA Nguyễn Đăng Minh