Sân vận động Hải Lựu, huyện Sông Lô chật kín người xem những “ông Cầu” thi đấu trong tiết trời giá rét, mưa phùn, ngày 26/2.
Ngày 26/2, hơn 30.000 người đổ về sân vận động xã Hải Lựu xem chung kết chọi trâu.
Tương truyền, lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, khi nhà Hán xâm lược Nam Việt. Thừa tướng triều đình Nam Việt lui quân về vùng núi Hải Lựu tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, ông cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ và mua vui cho dân làng.
Chủ dắt trâu vào trong sới chọi khi xung quanh đã được đảm bảo an toàn. Lúc này, cửa Tây sân vận động đóng lại, cửa Đông mở để trâu thoát hiểm.
Năm nay, giải đấu có 20 trâu, đại diện cho các tổ dân cư trong xã, chia thành 10 cặp đấu. Con nào thắng được vào tiếp vòng trong cho đến trận chung kết.
Màn so kè giữa trâu số 15 và trâu 19. Trâu tham gia lễ hội tuổi 10-12, mỗi con nặng khoảng 800 kg.
Nuôi trâu chọi là bí kíp của mỗi chủ. Hàng năm, vào tháng 7-8, các làng sẽ cử người lên Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu… thậm chí sang các nước lân cận tìm mua trâu khỏe, đẹp về nuôi dưỡng chờ đến ngày chọi.
Cú móc hàm từ dưới lên của trâu số 15 khiến đối thủ số 18 nhấc cả người trên không.
Theo quy định, trâu chọi không kể tuổi nhưng phải là trâu cày, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng kép, chân to, có vòng ngực hơn 2 m trở lên, ngoại hình đẹp.
Hai trâu thi đánh cáng hầu, mắt. Nếu con nào bị trúng đòn sẽ phải bỏ chạy.
Dưới nhiệt độ 18 độ C, mưa phùn, hàng nghìn khán giả chăm chú theo dõi các “ông Cầu” thi đấu.
Chiến thắng thuộc về “ông Cầu” số 15 (phải) nhờ những pha đánh hiểm và sức chịu đòn tốt.
Để ngăn trâu thắng không đuổi theo con thua cuộc, người chủ thường dùng cờ để che mắt trâu rồi đưa ra khỏi sân đấu.
Niềm vui của chủ trâu số 15 ở xã Đồng Tâm khi giành chiến thắng trong trận chung kết. Chủ trâu được trao 60 triệu đồng.
Trâu thắng trong trận chung kết được mổ thịt để dâng lên Thành hoàng làng và đem bán ở chợ. Giá thịt trâu giải nhất 5-7 triệu đồng một kg.