(Nhiếp ảnh) Ảnh chân dung gồm ảnh chân dung bán thân, ảnh chân dung cả người thậm chí chỉ đặc tả khuôn mặt của đối tượng. Thông thường, khi nói đến ảnh chân dung là ta nghĩ đến ảnh chân dung bán thân, từ ngực trở lên. Đối với ảnh chân dung bán thân bạn nên chụp sao cho không gian phía mặt đối tượng chụp quay chếch hướng so với máy ảnh, phía trước mặt thường rộng hơn phần sau lưng. Đối tượng chụp có thể nhìn thẳng vào máy hoặc nhìn xa xăm, mơ màng sang hướng khác, cũng có thể ngước lên hay nhìn xuống… tùy theo ý tưởng của bạn.
Cách tốt nhất để chụp ảnh chân dung, bạn nên làm cho phần hậu cảnh thành một cảnh mờ đẹp trong khi vẫn giữ sắc nét chủ thể. Cần tách đối tượng chụp ra khỏi không gian nền vì đôi lúc, đối tượng chụp dường như quá bị “lạc lõng” trong một không gian đầy màu sắc và nhộn nhịp người qua lại. Đôi khi bạn không cần tách đối tượng chụp ra khỏi không gian nền mà tùy theo ý tưởng chụp, bạn có thể chụp chân dung bên cạnh những đóa hoa, khung cửa, hành lang, ban công, cành cây, đồi núi hay đồ vật, nhà cửa… tùy theo cách bố cục của bạn. Bạn cũng có thể dùng những người xung quanh để tạo bố cục cho chủ thể chính v.v…
Chụp ảnh chân dung đôi khi cần phải bố trí, sắp đặt sao cho hợp lý. Tuy nhiên bạn không nên sắp đặt quá cầu kỳ mà đòi hỏi người cầm máy phải có kỹ năng, luôn nhạy bén với mọi tình huống để có thể quyết định “chớp” được một tư thế đẹp, một nét mặt độc đáo suy tư hay tươi cười của đối tượng chụp trước khi nó vụt biến mất. Ảnh chân dung cần chú ý đến những động tác, tư thế thoải mái, sống động, bất chợt mà không nhất thiết phải nhìn vào ống kính, thậm chí họ không biết đến sự hiện diện của ống kính đang “soi”. Chụp ảnh chân dung bằng ánh sáng tự nhiên khiến tôi mê say và yêu thích hơn nhiều. Ánh sáng ngoài trời hay ánh từ cửa sổ là điều kiện lý tưởng cho bạn chụp ảnh chân dung. Tất cả hiện tượng của nguồn sáng đó chính là cái đẹp mà bạn sẽ cảm nhận được.
Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh