Hương vị Tết Việt

(Nhiếp ảnh Hà Nôi) Hàng năm Tết đến, Xuân về các dân tộc khắp nơi trên thế giới lại nô nức chuẩn bị đón mừng năm mới. Mỗi nước, mỗi nơi đều có những tập tục khác nhau, xong đón Tết cổ truyền vào ngày mùng Một tháng Giêng Âm lịch gọi là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán theo Âm lịch là Tết truyền thống của một số nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Tết Nguyên Đán của Việt Nam được xem như một ngày Tết lớn nhất, quan trọng nhất và cũng mừng vui, náo nhiệt nhất trong năm. Vào những ngày giáp Tết, các “ tay máy” thi nhau đến Nhật Tân để chụp hoa Đào,  Chi Mai, chụp chợ hoa ngày Tết, chụp bánh chưng xanh, câu đối… Còn trong Nam, họ lại rủ nhau đi chụp Mai Vàng, chợ Tết, đâu đâu cung nghe thấy tiếng máy “tạch, tạch, tạch…” đến vui tai. Cũng có người lại rủ nhau lên tận vùng cao để chụp ảnh ngày Xuân trên cao nguyên v.v… Tết Nguyên Đán là dịp tất cả những phong tục của Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét nhất. Từ chuẩn bị Tết, đón Tết, chúc Tết, du Xuân, lễ hội cho đến việc tảo mộ… Chẳng có một lễ hội nào lại đông vui, tưng bừng, náo nhiệt, bận rộn  như những ngày Tết. Hầu như người Việt Nam cứ đến giáp Tết lại náo nức mua sắm hết thứ này thứ nọ bất kể là người nghèo hay giầu.

Nang Xuan

Du khách thăm Hà Nội ngày Xuân

w16508454_741408169360649_4024145345484981623_n

Ngày Tết đến Chùa Linh Tiên ở Bằng A, Hà Nội  cầu an

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam rất thiêng liêng, rất độc đáo. Trong những ngày Tết Nguyên Đán, trên bàn thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả, bánh chưng, trầu cau, rượu, trà, hoa, cây cảnh v.v…, đặc biệt ở miền Bắc có Đào, Quất còn miền Nam thì có Mai Vàng, dưa hấu… Đã từ lâu, Đào, Quất và bánh chưng không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên Đán của người dân Bắc còn miền Nam thì không thể thiếu Mai Vàng và dưa hấu. Dù nhà nghèo đến mấy cũng không thể không có bánh chưng, một cành Đào hay Mai nhỏ cắm trong nhà. Ngày nay giao thông thuận tiện nên vào những ngày Tết Nguyên Đán người ta thường thấy ở miền Bắc có cả Mai Vàng và Đào cũng có ở miền Nam. Có nhiều người chơi hoa Đào, số người khác lại chơi Mai Vàng, thậm chí có người chơi cả Đào lẫn Mai, tùy theo sở thích và điều kiện của từng gia đình. Vào những ngày Xuân, có người từ Bắc vào Nam để chụp Mai Vàng, có người lại từ Nam ra Bắc để chụp hoa Đào. Mỗi năm duy nhất chỉ có mùa Xuân là hai loại hoa này nở rực rỡ vì thế các nhà nhiếp ảnh không mấy ai bỏ lỡ dịp may hiếm có này.

Ban tho ngay Tet cua nguoi Ha Noi

Bàn thờ ngày Tết

Nói đến Tết Nguyên Đán ta không thể bỏ qua những phút Giao thừa thiêng liêng. Đêm giao thừa là từ 24h00 đêm 29 hoặc 30 tháng Chạp tùy theo từng năm của năm cũ chuyển sang 00h00 ngày mùng Một tháng Giêng năm mới Âm lịch. Lúc này cả nước đâu đâu cũng rực rỡ đèn hoa, tưng bừng đón mừng năm mới. Các “tay máy” đổ ra khắp phố phường, xóm làng để “săn” ảnh, đặc biệt là quanh Hồ Gươm, Hà Nội. Người thì chụp cảnh lung linh huyền ảo của hồ, người lại chụp không khí đông vui, náo nhiệt của phố phường… Phút Giao thừa ở nước nào, dân tộc nào cũng vậy, rất thiêng liêng, nhiều niềm vui và cũng rất náo nhiệt.  Tết Nguyên Đán của nước ta có nhiều phong tục cổ truyền như: mừng thọ, mừng tuổi, khai bút, khai máy, du Xuân, hái lộc, xông nhà, chúc Tết… Phút Giao thừa cũng là lúc năm mới bắt đầu, tiếng chuông ngân vang từ khắp các chùa chiền, tiếng trống từ các đình làng cùng nổi lên giòn giã. Bước sang năm mới, ai nấy đều hồ hởi chúc tụng nhau một năm mới sức khẻo dồi dào, hạnh phúc, thành công, an khang, thịnh vượng. Dường như lúc này mọi người trở nên hiền hòa hơn, thân thiện hơn, đáng yêu hơn. Phút Giao thừa vừa dứt là tục mừng tuổi. Trước hết con cháu chúc thọ ông bà, bố mẹ, sau tới con trẻ được mừng tuổi những đồng tiền mới. Họ mừng tuổi, chúc tụng và luôn cầu mong cho nhau gặp những điều may mắn, hạnh phúc và thành đạt trong năm mới. Con trẻ thì reo hò, mừng vui khôn tả khi được mặc quần áo mới, được vui chơi thỏa thích và đón chờ những đồng tiền mừng tuổi may mắn.

wbDSC_0619

Vườn Xuân

Tết cũng là dịp “hỉ, xả”, thậm chí hàng xóm láng giềng có điều gì xích mích cũng đổi giận làm lành, xí xóa hết thẩy và chúc tụng nhau những điều tốt lành. Tục xông nhà được hình thành từ rất lâu đời với quan niệm có được một năm mới tốt lành khi có người “nhẹ vía”, “hợp tuổi” với gia chủ đến nhà đầu tiên sau phút Giao thừa. Vì thế họ thường chọn người để nhờ đến xông nhà, cũng có người tự xông nhà lấy, để được may mắn, hạnh phúc, khỏe mạnh, tài lộc dồi dào cả năm. Năm mới ai nấy đều mong đợi một năm phát tài sai lộc và họ thường xuất hành đi chùa lễ Phật cầu an sau phút Giao thừa. Tết đến Xuân về cũng là lúc các nhà nhiếp ảnh tỏa đi khắp phương, “lên rừng, xuống biển” để chụp ngày hội Xuân từng bừng, chụp phong tục tập quán khác nhau của mọi miền Tổ quốc. Đây cũng là dịp “săn” những bức ảnh sống động nhất, thú vị nhất trong năm. Tục du Xuân đầu năm tới các chùa chiền, lễ hội gần xa, các danh lam thắng cảnh, các phiên chợ… của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Cũng có nhiều gia đình lại quây quần cùng nhau đón Tết, vui chơi, trò chuyện, cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm thật đầm ấm và hạnh phúc. Những nét đặc trưng của Tết cổ truyền đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất, ấm áp nhất cho những người nước ngoài khi đến Việt Nam.

wb1DSC_1022

Nắng Xuân

Anh Tanaka Ryu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nhật Việt nói: Tôi cảm nhận sự ấm áp mỗi khi Tết đến Xuân về. Đường phố ở Hà Nội tràn ngập người, hoa và cây cảnh, tất cả tạo nên những bức tranh đa sắc, sống động, xốn xang. Với tôi đặc biệt ấn tượng về Tết cổ truyền Việt Nam là việc hầu hết các gia đình Việt Nam đều quây quần bên nhau trong những ngày Tết. Điều đó khiến mọi người trở nên thân thiện, gắn bó với nhau hơn, xã hội trở nên ổn định hơn, bền vững hơn. Tôi rất thích phong tục Tết Nguyên Đán của người Việt, gia đình quây quần bên nhau ăn uống, chúc tụng trong những ngày Tết rồi sau đó cùng đi chùa, đến thăm nhau và chúc Tết theo một lịch trình định sẵn. Tôi sống và làm việc ở Việt Nam khoảng chục năm và đón Tết vài năm ở Hà Nội. Những ngày này tôi thường nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ người thân, những người bạn Việt. Gia đình chị Tuyết Minh – Một trong những gia đình người Hà Nội gốc còn giữ nguyên nếp sống xưa của người Hà thành đã khiến tôi rất cảm động và ấm lòng trong những ngày xa quê hương, cho tôi nhiều xúc cảm, nhiều ấn tượng khó quên. Tôi yêu cái se se lạnh của tiết trời Xuân Hà Nội, yêu những cành hoa Đào, chậu Quất ngày Tết, đặc biệt là bánh chưng ngày Tết mới tuyệt làm sao. Điều đặc biệt nữa của bánh chưng Việt Nam trong ngày Tết là phải ăn cùng với củ hành muối chua mới thật là đúng vị. Cái hương vị đặc trưng ấy không lẫn vào đâu được…

1

Anh Tanaka Ryu (người thứ nhất bên trái) vui Tết cùng gia đình chị Tuyết Minh

16508099_740183412816458_8455007171159280192_n

Gia đình sum vầy ngày Tết

Nhiều người Hà thành đã quen với cái tên Suzanne Lecht, Giám đốc nghệ thuật Art Việt Nam Gallery – Một gallery có tiếng ở Hà Nội. Khoảng 10 năm sống và làm việc ở đây, Suzanne Lecht gắn bó với nếp ăn, nếp nghĩ của người Việt, văn hóa Việt. Chị thường nói: Việt Nam, tôi yêu Việt Nam và có một tình cảm thật đặc biệt. Điều này khó mà diễn đạt bằng ngôn ngữ. Đó là một Hà Nội cổ kính và cũng rất hiện đại, những con người Việt rất thân thiện và giàu lòng nhân ái. Là một người Mỹ, tôi cảm thấy buồn khi nghe kể lại cuộc chiến tranh mà người Mỹ đã gây ra trên mảnh đất này. Hơn bao giờ hết, tôi muốn làm một việc gì đó để góp một phần nhỏ bé giúp mọi người. Tôi muốn người Mỹ hiểu hơn về người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Và rồi tôi đã chọn mỹ thuật, một art gallery được ra đời với cái tên Art Việt Nam Gallery.  Art Việt Nam Gallery trưng bày nhiều tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau của các họa sĩ Việt Nam và người nước ngoài. Tôi cố gắng tìm kiếm, giới thiệu những tác phẩm đầy tính sáng tạo mới của các họa sĩ tài năng Việt Nam. Tôi thích khám phá văn hóa Việt Nam như: các công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội, nhất là kiến trúc đình chùa. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đến đình chùa để tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam. Tôi cảm nhận sự đầm ấm mãnh liệt nhất mỗi khi Tết đến Xuân về. Những người bạn Việt đã làm tôi ấm lòng, gập tràn hạnh phúc, yêu thương. Tôi yêu tiết trời Xuân Hà thành quyện lẫn sắc thắm của hoa Đào, sắc vàng rực rỡ Quất ngày Tết cùng nét mặt rạng rỡ tươi rói của các thiếu nữ Hà Nội trong bộ áo dài truyền thống lung linh trong nắng Xuân, tạo thành bức tranh sống động, đẹp đến mê hồn. Còn cả bánh chưng nữa chứ, ôi! bánh chưng ngày Tết mới tuyệt vời làm sao. Những ngày thường tôi cũng có thể đi tìm mua một chiếc bánh chưng để ăn nhưng bánh chưng Tết rất khác, nó hàm chứa cả một nét văn hóa lịch sử trong đó nữa…

2

Chị Suzanne Lecht (người thứ hai bên phải) cùng nhóm nhiếp ảnh tĩnh lặng – ảnh: Bùi Hà

Không chỉ những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt nam mới có cảm giác vậy mà ngay cả những du khách nước ngoài cũng háo hức mong đợi và muốn đón một cái Tết cổ truyền của Việt Nam. Một nét đẹp truyền thống của người Việt đã lan rộng tới các du khách, họ cũng muốn tới thăm Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán. Anh John Dzogan du khách người Canada tâm sựt: Khi mới đến Hà Nội, lúc đó Tết đang đến gần. Nó cũng quan trọng tựa như Giáng sinh và năm mới của đất nước chúng tôi. Tôi chưa thể hình dung ra Tết của các bạn sẽ như thế nào và rất háo hức muốn biết. Thế rồi Tết đến, phố phường đông đúc, tấp nập, nhộn nhịp người bán, người mua, ai nấy đều hối hả, tất bật… Nhưng chỉ qua đêm Giao thừa, đột nhiên đường phố bỗng trở nên vắng lặng, mọi công sở, cửa hàng thậm chí cả các điểm vui chơi giải trí… cũng đều đóng cửa. Điều đó khiến chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi đã đón hai cái Tết tại Việt Nam. Những ngày Tết ở Hà Nội rất yên bình. Hà Nội ngày nay vẫn thế, có chăng là đông hơn, sôi động hơn, rộng lớn hơn, to đẹp hơn. Tôi dạo một vòng quanh Hồ Gươm, cờ hoa rực rỡ sắc màu trông thật vui mắt, rạo rực. Đón Tết ỏ đất nước các bạn làm cho tôi chợt nhận ra rằng mình chẳng có ai là thân thiết nơi đây. Thật may, tôi gặp được những người Việt thật nồng hậu, thân thiện và rất cởi mở. Họ chào đón tôi như những người thân khiến tôi có cảm giác như đang sống ở nhà mình vậy. Đón Tết ở Hà Nội xong, tôi được gia đình người Việt rủ đi Chùa Hương lễ Phật cầu may cho cả năm – Một nét văn hóa Phật giáo rất ấn tượng, náo nhiệt, trang nghiêm. Tôi thấy hồi hộp, sung sướng, ấm áp hơn vì được hòa nhập trong không khí đón Tết chung của người Việt trên đất Việt Nam. Tết của các bạn thật thú vị, thật đặc sắc và cũng thật độc đáo. Mặc dù có những khác biệt về văn hóa, phong tục, nhưng khi đón Tết ở Hà Nội, cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên trong đời được mọi người trong gia đình chị Tuyết Minh lì xì cho mình bao màu đỏ chứa đựng trong đó những đồng tiền “mới, mới cứng tới mức có thể cạo râu được” mang đầy may mắn, mãi luôn là một kỷ niệm đẹp, một ấn tượng mạnh không thể nào quên khi đón Tết tại Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam và rất yêu thích Tết Việt, đó là dịp để tôi biết thêm nhiều điều về Việt Nam. Xin cảm ơn những người Việt Nam thật nồng hậu, thân thiện và mến khách.

3

Anh John Dzogan (người thứ hai bên trái) tại Chùa Hương

5

Anh Park – Chủ tịch Tập đoàn Tầu cá Hàn Quốc(người thứ hai bên trái) cùng anh Lee và anh Kim – Tổng giám đốc Tập đoàn Tầu cá Hàn Quốc

Vâng! đúng vậy, bánh chưng là món ăn truyền thống, là văn hóa ẩm thực từ ngàn xưa của người Việt Nam. Bánh chưng luôn song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành món ăn không thể thiếu vào ngày Tết Nguyên Đán ở miền Bắc. Trong những ngày tết Nguyên Đán, bánh chưng thường được bầy trên bàn thờ cúng Thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mọi nhà. Một trong những nét đẹp truyền thống lâu đời nhất trong văn hoá tâm linh của người Việt Nam. Trong mâm cỗ đón Xuân những chiếc bánh chưng vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày. Tương truyền rằng: ngay sau khi dẹp xong giặc Ân, Vua Hùng Vương thứ VI muốn truyền ngôi cho con nên ông mở hội tuyển chọn đầu Xuân và nói rằng: ”Các con, ai tìm được món ăn ngon, có ý nghĩa để bày cỗ thì ta sẽ truyền ngôi cho”. Các con Vua Hùng đua nhau tìm những món ngon của lạ từ sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi mang về. Riêng Lang Liêu, người con trai thứ XVIII của Vua Hùng tính tình thuần hậu, chí hiếu, lại làm bánh chưng, bánh dày từ gạo nếp. Chàng đã biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… làm thành món ăn ngon mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế đất trời, tổ tiên. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, là âm dành cho mẹ còn bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời, là dương dành cho cha. Với ý nghĩa sấu sắc đó, cuối cùng chàng được Vua cha nhường ngôi báu.

Con chau vay quanh xem goi banh chung

Con cháu quây quần xem và học gói bánh chưng

Nhớ về Tết cổ truyền những năm trước đây, nhà nào cũng nấu một nồi bánh chưng. Cả nhà bận rộn rửa lá dong, đãi đỗ xanh, vo gạo với nếp cái hoa vàng để gói bánh. Giờ đây, bánh chưng cho ngày Tết được mua tại các siêu thị, cửa hàng hoặc qua hình thức cung ứng dịch vụ khác… Không khí những ngày giáp Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà các chị tất bật rửa lá dong, vo gạo hay đãi đỗ…, cảnh trẻ con háo hức ngồi vây quanh xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Cái cảm giác náo nức đêm giao thừa ấm cúng cả nhà quây quần quanh nồi bánh chưng gợi lại những kỷ niệm thật khó quên.

Ben noi banh chung

Bên nồi bánh chưng ngày Tết

Truyền thống vẫn còn đó, nhưng dường như không còn mấy nguyên vẹn, chỉ lác đác vài gia đình còn giữ lại nồi bánh chưng ngày Tết. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh là nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay cũng như mãi mãi về sau, bánh chưng luôn hiện diện trong đời sống văn hóa ẩm thực và văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Có thể nói bánh chưng là một món ăn vừa có sức trường tồn và cũng rất gần gũi với đời sống của người Việt Nam. Nên chăng, tục nấu bánh chưng ngày Tết trong mỗi gia đình là nét văn hóa ẩm thực truyền thống cần trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan