‘Khắc tinh’ của tội phạm ma túy ở Điện Biên

Tham gia 290 chuyên án trong 10 năm, đại úy Vũ Văn Cường cùng đồng đội bắt giữ 377 tội phạm, thu giữ hơn 600 kg ma túy các loại.

Đại úy Vũ Văn Cường, Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Pa Thơm (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên), phát hiện đường dây vận chuyển số lượng lớn ma túy từ Lào vào Việt Nam đầu năm 2023. Anh lập tức tham mưu cho cấp trên xác lập chuyên án mang bí danh ĐB223 để triệt phá.

Xã miền núi biên giới Pa Thơm thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, giáp Bắc Lào. Địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, trên địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người, đời sống còn khó khăn. Tội phạm ma túy thường tổ chức thành nhóm vũ trang hoạt động có hệ thống và “cực kỳ liều lĩnh”.

Sau nhiều ngày theo dõi, rạng sáng 25/2/2023, ba kẻ khả nghi khoác balô, đi bộ từ hướng biên giới Việt – Lào về phía đội hình mật phục. Chúng đi cách nhau khoảng năm mét, vừa đi vừa dùng đèn pin soi quét hai bên đường mòn. Tên đi đầu cầm khẩu súng kíp và cả ba đều mang theo dao nhọn ở thắt lưng.

Đại úy Vũ Văn Cường (giữa) trấn áp đối tượng trong một chuyên án tại khu vực biên giới. Ảnh: NVCC

Đại úy Vũ Văn Cường (giữa) trấn áp đối tượng trong một chuyên án tại khu vực biên giới. Ảnh: NVCC

Lực lượng chức năng bí mật áp sát để vây bắt. Tuy nhiên ngay khi ập vào, tên cầm đầu lập tức giương khẩu súng kíp đã nạp đạn vào Cường và đồng đội. “Hắn chưa kịp bóp cò đã bị tôi quật ngã, đá văng khẩu súng. Hai tên còn lại rút dao nhọn chém điên cuồng hòng thoát thân nhưng cũng bị bắt giữ”, Cường nói, cho biết qua kiểm tra, Bộ đội Biên phòng phát hiện ba tên này mang theo 7 bánh heroin và một kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Súng kíp là vũ khí tự chế, được đồng bào dân tộc dùng để săn bắn, đạn gồm nhiều hạt sắt nhỏ. Súng có sức sát thương lớn từ mức độ tỏa ra của hàng trăm viên đạn sắt. Chiến sĩ nếu bị thương, mất máu khi làm nhiệm vụ thì nguy cơ đe dọa tính mạng rất lớn do khu vực mật phục hiểm trở, đi lại khó khăn, đến cơ sở y tế gần nhất cũng mất vài giờ. “Lúc đó nếu chỉ chậm hơn tích tắc, có lẽ giờ này tôi không còn được nhìn thấy mặt trời mọc hàng ngày”, đại úy Cường chia sẻ.

Hơn hai năm trước, tháng 12/2021 đại úy Cường cũng phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ các tỉnh Bắc Lào về Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và sang nước thứ ba để tiêu thụ. Anh được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy tổ đánh bắt chính.

Sau 7 ngày đêm mật phục, khoảng 5h ngày 3/2/2022 (mùng 3 Tết Nhâm Dần), tại ngã ba Nậm He, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, tổ đánh án phát hiện kẻ nghi vấn. Được ra dấu dừng xe nhưng người này không chấp hành mà rú ga lao thẳng về phía lực lượng chức năng. Tuy nhiên, hắn nhanh chóng bị các sĩ quan Biên phòng quật ngã, khống chế.

Tổ đánh án tìm thấy 72 bánh heroin trong bao tải phía sau xe máy. Đối tượng tên Chang A Má khai nhận đang vận chuyển thuê số ma túy từ huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên sang Lai Châu. Mở rộng điều tra, hai tên cầm đầu đã bị bắt giữ. Toàn bộ đường dây mua bán, vận chuyển ma túy này bị triệt phá.

Đại úy Vũ Văn Cường (trái) tại lễ báo công, trao huy hiệu Bác Hồ cho gương điển hình tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: NVCC

Đại úy Vũ Văn Cường (trái) tại lễ báo công, trao huy hiệu Bác Hồ cho gương điển hình tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: NVCC

Cường cho biết phần lớn thời gian của anh là ở dưới thôn, bản để bám nắm tình hình tội phạm, đồng thời tham gia sinh hoạt và giúp đồng bào. Có địa bàn chỉ cách đồn Biên phòng khoảng 30 km nhưng đi cả ngày mới tới vì đồi núi hiểm trở, dốc quanh co. Hành trang của anh là vài bánh lương khô, một ít kẹo bánh cho trẻ nhỏ, bộ quần áo và chiếc cặp đựng tài liệu treo trên chiếc Wave đã tróc sơn.

Anh nói đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy luôn là cuộc chiến giữa thời bình, bị thương hoặc hy sinh là điều khó tránh. Trước đây, Đồn biên phòng Pa Thơm đã có một sĩ quan ngã xuống khi tham gia chuyên án.

Sinh ra ở Thanh Hóa, công tác tại Điên Biên, nhưng anh Cường lại quen và cưới một cô giáo ở Hà Nội khi còn học tại Học viện Biên phòng. Không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, Cường cũng ít chia sẻ chuyện công việc vì sợ vợ lo. “Người lính luôn phải ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ trước, sau đó mới sắp xếp về thăm gia đình”, anh nói, cho biết mỗi năm chỉ về phép 2-3 lần. Điều anh thấy áy náy nhất là cả hai lần vợ sinh con đều không thể về vì đang làm nhiệm vụ.

Với nhiều thành tích tiêu biểu, từ năm 2019 đến nay, đại úy Cường đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ghi nhận và tặng thưởng 21 huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2022, anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba; năm 2023 được trao tặng huy hiệu Bác Hồ; được gặp báo cáo thành tích và được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Tin liên quan