Hơn 40 hộ ở làng nghề ép chuối khô tại huyện Trần Văn Thời tất bật làm việc mỗi ngày để kịp giao hàng dịp Tết Nguyên đán.
Nghề ép chuối khô ở Cà Mau hình thành hơn 100 năm qua, chủ yếu tập trung ở hai xã Trần Hợi và Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
Trải qua thăng trầm, đến nay làng nghề còn khoảng 40 hộ, nhiều nhất ở các ấp 10A, 10B và 10C, xã Trần Hợi. Đây là địa phương nổi tiếng sản xuất chuối khô ngon và lớn nhất tỉnh.
Anh Trần Thanh Duy, chủ một xưởng sản xuất chuối khô tại xã Trần Hợi cho biết trung bình mỗi tháng, cơ sở làm ra 5-7 tấn sản phẩm, riêng 3 tháng gần Tết làm khoảng 50 tấn.
“Những năm có đơn đặt hàng nhiều, cơ sở sẽ làm xuyên Tết. Các đại lý, khách đặt chuối khô để làm kẹo, mứt cung ứng cho thị trường”, anh Duy nói và cho biết mất khoảng 6 ngày để sản xuất những miếng chuối khô đạt chất lượng. Buồng chuối được chọn ép trái phải to, tròn, đủ độ già; nếu chuối non, thành phẩm sẽ không ngọt.
Các cơ sở chọn chuối đạt tiêu chuẩn đem ủ 6-8 tiếng, rồi để thoáng bên ngoài khoảng 36 tiếng cho chín tự nhiên. Tiếp đó, nhân công bóc vỏ chuối đặt lên vỉ để sấy nguyên trái 10-12 tiếng (hoặc phơi một ngày ngoài nắng).
Công đoạn sấy rất quan trọng, nếu bỏ qua bước này chuối còn độ ẩm sẽ dễ bị chua, sỉn màu.
Toàn xã Trần Hợi hiện có hai cơ sở đã đầu tư máy sấy để chủ động sản xuất nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Nhân công ép chuối trong khuôn (đường kính 18 cm), số lượng 4-5 trái tùy kích cỡ.
Chị Nguyền Kiều Tiên, ở ấp 10B, xã Trần Hợi, có 10 năm theo nghề ép chuối khô, cho biết dịp giáp Tết nhiều ngày phải làm đến 1-2h mới kịp đơn hàng. Mỗi ngày chị kiếm khoảng 200.000 đồng tiền công.
Những miếng chuối hình tròn được đặt lên vỉ để phơi hai ngày hoặc sấy 12-16 tiếng bằng máy.
Hiện các cơ sở bán chuối khô với giá 27.000-40.000 đồng mỗi kg.
Bà Hồ Yên Hương, 44 tuổi, chuẩn bị thu chuối đã khô sau hai ngày phơi ngoài trời. Gia đình bà có hơn 30 năm làm nghề. Năm nay, dự kiến trong tháng Tết, mỗi ngày bà làm ra khoảng một tấn chuối khô.
Miếng chuối sau khi phơi khô có màu vàng, ráo nhưng không cứng.
Tháng 7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối khô xã Trần Hợi do Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu.
Gia đình chị Cao Ngọc Thảo bỏ chuối khô vào túi hút chân không để đảm bảo vệ sinh. Chị cho biết ngay đầu vụ, các thương lái ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP HCM đã đến đặt hàng. Trong hai tháng gần Tết, sản lượng của gia đình có thể tăng 3-4 lần so với trước.
Ông Lê Chiến Lũy, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết thời gian qua, xã quan tâm hỗ trợ các xưởng sản xuất xây dựng thương hiệu chuối khô. Hiện có một cơ sở có sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đề nghị các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các hộ đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất hiệu quả hơn.
Nghề ép chuối khô tạo việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức lương 4-6 triệu đồng mỗi tháng.