Lưỡng long chầu nguyệt, rồng gỗ phun khói, nhả lửa, rồng từ lu nước… là những ý tưởng làm linh vật chào xuân Giáp Thìn 2024 ở nhiều nơi trên cả nước.
Tại Bắc Giang, mô hình rồng cao 4,5 m bao gồm bệ đỡ, nặng 10-12 tấn, sơn màu cam, được anh Bùi Văn Quân, 32 tuổi, ở xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa, hoàn thiện trong hơn 70 ngày. Để thực hiện, anh tạo khung sắt, quây lưới thép, sau đó sử dụng hỗn hợp cát và xi măng để đắp tượng. Hiện tượng rồng đã hoàn thiện và đang được trang trí thêm xung quanh bằng mô hình bánh chưng, hoa mai…
Dự kiến ngày 28/1, anh Quân mở cửa đón khách vào tham quan, không thu phí. Anh đặt tên cho bức tượng là “con rồng hạnh phúc”.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng tượng mang nhiều nét của rồng châu Âu. Tuy nhiên, chủ nhân cho biết chỉ sử dụng cấu trúc phần thân của rồng châu Âu, còn các chi tiết khác đều mang đặc điểm của rồng truyền thống. Ảnh: Bùi Quân – Phạm Chiểu
Bốn tượng rồng được thi công đầu năm nay trong khuôn viên khu du lịch tư nhân ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa để phục vụ du khách dịp Tết Giáp Thìn 2024. Mỗi con rồng dài khoảng 20 m, tổng chiều cao công trình khoảng 6 m.
Sau khi xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng những tượng này không giống các loại rồng truyền thống bởi thân hình gầy gò, ốm yếu “trông như một loài cá biển”, làm mất đi vẻ uy nghi của linh vật từng được nhắc nhiều trong truyền thuyết dân gian.
Cạnh bốn tượng rồng, doanh nghiệp cũng đang trưng bày các linh vật do đơn vị này làm vào các năm trước. Trong đó, có tượng con mèo bị nhận xét là giống chuột chù vào dịp Tết Quý Mão 2023 hay tượng “hổ lai heo” gây xôn xao dịp Tết Nhâm Dần năm 2022. Ảnh: Lê Hoàng
Tại Đà Nẵng, mô hình linh vật rồng đang được lắp đặt tại công viên phía tây cầu Rồng bắc qua sông Hàn (quận Hải Châu). Rồng được làm bằng gỗ, dài 8 m, có khả năng phun khói và dùng đèn chiếu sáng để tạo hiệu ứng rồng phun lửa.
Ngoài ra, công viên phía đông cầu Rồng đang lắp đặt mô hình linh vật rồng với chủ đề Rồng du xuân. Phía trước tòa nhà Pháp cổ đang trùng tu làm Bảo tàng Đà Nẵng cũng được trang trí linh vật rồng mang chủ đề Dấu ấn rồng thiêng. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại Bình Dương, linh vật rồng làm bằng sản phẩm làng gốm 300 năm tuổi, lắp đặt trên đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một.
Anh Thuận, nghệ nhân thực hiện cặp rồng này cho biết, mỗi con rồng có 38 cái lu cỡ lớn và khoảng 20.000 chiếc hũ. Ảnh: Phước Tuấn
Cụm linh vật rồng năm 2024 của tỉnh Bình Định đang được xây dựng tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Khu trưng bày có quy mô lớn, dài khoảng 105 m, rộng gần 40 m, và chiều cao đỉnh điểm của linh vật là 7,5 m. Khu vực này được bố trí xen kẽ với khoảng 45.000 chậu cây cảnh, hoa, lá các loại.
Theo UBND Bình Định, linh vật được thiết kế với chủ đề Tự hào truyền thống Cha Rồng – Mẹ Tiên, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Câu chuyện về trăm trứng nở trăm con như một biểu tượng của sự phồn thịnh và niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng, đồng thời tôn vinh truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc, thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước. Ảnh: Phạm Linh
Mô hình rồng lấy ý tưởng về lưỡng long tranh châu (hai con rồng giành viên ngọc) được đặt tại công viên 18 Tháng 10, TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Mỗi con rồng dài khoảng 12 m, cao hơn 2 m.
Dịp này địa phương bố trí 4 con rồng đặt tại hai công viên ở trung tâm thành phố. Lưỡng long tranh châu bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa cổ đại và được người Việt xưa sử dụng; có thể thấy lưỡng long tranh châu trong các bộ long bào. Tuy vậy rồng ở TP Cam Ranh gây chú ý bởi gương mặt ngộ nghĩnh. Ảnh: Bùi Toàn