(Khám phá) Mỗi ngày bà Thạch vào rừng ở xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh) hái đọt choại, loại rau mọc tự nhiên được nhiều người tìm mua, kiếm vài trăm nghìn.
Bà Vũ Thị Thạch (48 tuổi, huyện Bình Chánh, TP HCM) mưu sinh với nghề hái rau choại cả chục năm nay. Hàng ngày, từ 5h bà lại vào vào rừng ở xã Phạm Văn Hai để hái rau đem về bán, đến chiều lại tiếp tục hái.
Rau choại hay còn gọi là rau chạy hoặc rau chại… thuộc họ dương xỉ, mọc tự nhiên men trong các cánh rừng nằm ở ngoại thành Sài Gòn và là đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. “Loại rau này chỉ hái phần ngọn (đọt) còn non. Đọt choại chỉ ăn được khi trên đầu uốn cong, thân mảnh, lơ thơ vài cọng lá non tơ”, bà Thạch cho biết.
Theo bà Thạch, loài cây này chỉ mọc ở những vũng ẩm thấp sình lầy, ven các con kênh rạch. Rau choại sinh trưởng tự nhiên, được xem là loại rau sạch nên nhiều người mua về ăn. Cây này phát triển quanh năm nhưng đọt choại thì thường ra nhiều vào mùa mưa.
“Hái đọt choại phải từ sáng sớm khi sương còn đọng trên lá thì mới tươi ngon. Một buổi tôi hái đầy xô rau khoảng 3 ký thì về”, người phụ nữ quê Thanh Hóa chia sẻ.
Theo bà, khi lội hái rau ở đầm lầy, việc bị đỉa, vắt cắn hay bị ong đốt… là thường xuyên. “Có lần tôi bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện cấp cứu”, người phụ nữ gắn bó với nghề hái rau chục năm cho biết.
Mỗi ngày, bà Thạch thường đi nhiều nơi để kiếm đọt choại non. Thường những người hái loại rau này đều tự chia khu vực riêng. “Tôi hái ở vùng này xong thì cỡ hai ngày sau mới quay lại hái tiếp khi cây đã ra đọt mới. Mùa mưa, rau mọc nhanh và ngon hơn nên hái được nhiều hơn”, bà Thạch nói.
“Mỗi ký rau tôi bán giá 30.000 đồng, ngày nào chăm chỉ cũng kiếm được hơn 300.000 đồng. Nhờ công việc này mà tôi nuôi được hai người con trưởng thành, đang có công việc tạm ổn định ở Hà Nội”, bà Thạch tâm sự.
Rau hái về được bà nhặt lại chia thành từng bó và dấp nước cho tươi.
Bà đang ở cùng với chồng trong cái chòi nhỏ, vốn là lô đất trống được chủ cho ở nhờ để trông coi giùm.
Từ 7h, sau khi hái xong bà lại bắt xe buýt lên chỗ bán cách nhà khoảng 20 cây số.
Mỗi ngày, bà bán rau ở góc đường Minh Phụng – Hậu Giang (quận 6) cho đến 11h thì kết thúc. “Có nhiều nhà hàng hỏi lấy sỉ đọt choại của tôi nhưng họ mua giá chỉ bằng một nửa so với bán lẻ. Loại rau dân dã này nhiều người thích trở thành đặc sản trong nhà hàng, có thể nấu nhiều món như luộc, xào mỡ hay nấu lẩu, canh chua…”, người phụ nữ chia sẻ.